Khắc khoải chiều Pác Nặm

14-06-2015 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Pác Nặm (Bắc Kạn), một địa danh trong lòng Việt Bắc đã để lại trong mỗi người những ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất và con người kiên cường trong kháng chiến.

Pác Nặm (Bắc Kạn), một địa danh trong lòng Việt Bắc đã để lại trong mỗi người những ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất và con người kiên cường trong kháng chiến. Ngày nay, địa danh này vẫn còn chất chứa trong nó tấm gương với ý chí thép vượt lên số phận, những câu chuyện ly kỳ và cả những mảnh đời vẫn chìm trong gian khó không nhiều người biết đến.

Ý chí thép của cô gái tật nguyền

Mọi công việc chuẩn bị cho chuyến đi thiện nguyện đã hoàn tất thì nhà báo Nguyễn Việt, một thành viên trong đoàn nhận được thư của một cô gái. Biết đoàn sắp lên Pác Nặm tặng quà cô đã quên góp được 200 bộ đồ chơi và xin được góp cùng đoàn tặng cho các cháu Trường Mầm non Giáo Hiệu. Đọc thư xong ai cũng ngấn lệ bởi một tấm gương và một tấm lòng hướng thiện. Sự cảm động ở đây không phải ở những món quà mà là tấm lòng hướng thiện của một cô gái tật nguyền. Cô tên Lý Giang Thiều, sinh năm 1988 ở huyện Pác Nặm, nơi chúng tôi sắp đến.

Một điểm trường ở Pác Nặm.

Thiều vốn là cô gái khỏe mạnh. Khi đang học Đại học Sư phạm Thái Nguyên thì một tai nạn bất ngờ ập đến trong lần chơi thể thao đã khiến cô bị liệt cả 2 chân. Mặc dù chữa chạy khắp nơi nhưng bệnh tình không giảm. Gạt nước mắt, cô đã quyết tâm chiến thắng số phận nghiệt ngã của mình bằng một ý chí thép để làm được nhiều việc có ích. Và cô được người Pác Nặm ví như một “Nick Vujicic” của Việt Nam.

Sau thời gian dài vừa chữa bệnh vừa làm việc tại Hà Nội, cô trở lại với núi rừng để lập nghiệp. Thiều không muốn PHẾ vì TÀN, cô tâm sự: “Mình có đất sao lại chịu nghèo, có đất là có tất cả”. Thế rồi, sau nhiều đêm trăn trở, được sự giúp đỡ của gia đình, cô kêu gọi đoàn viên trong xã cùng giúp sức để làm trang trại. Sau 2 năm vật lộn với muôn vàn khó khăn, Thiều đã sở hữu trang trại chăn nuôi với gần một nghìn con gà, thỏ và hơn chục con lợn cùng khu đất rộng hàng héc ta trồng rau sạch và nuôi cá. Mặc dù sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường, nhưng đối với khách hàng là những trường học nội trú, Thiều vẫn có cơ chế giúp đỡ, chia sẻ khó khăn cho các em vươn lên trong học tập.

Ước mơ trên giảng đường sư phạm không thành, Thiều đã mang kiến thức đã học về giúp các em nhỏ trong vùng. Thiều mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí ngay tại nhà cho các em học sinh lớp 3 trở lên, lúc nào lớp của Thiều cũng có hàng chục em theo học. Noi gương Thiều nên em nào cũng vươn lên tích cực học tập. Từ một cô gái tật nguyền, Thiều không những đã vươn lên trong cuộc sống mà còn mang tấm lòng hướng thiện chia sẻ với nhiều hoàn cảnh khó khăn trong khu vực. Lý Giang Thiều đã được nhận nhiều Bằng khen của tỉnh Bắc Kạn và Trung ương Đoàn tặng điển hình thanh niên vượt khó xuất sắc.

Những câu chuyện ly kỳ ở Pác Nặm

Sau khi đón Thiều tại xã Xuân La, xe tiếp tục chạy theo tỉnh lộ 258B để đến xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm. Kể từ lúc đón Thiều, cả xe bừng tỉnh với những câu chuyện ly kỳ trên tỉnh lộ này cô kể. Xe chạy qua đèo Yêu, con đèo cao ngất như bức thành ngăn cách giữa huyện Pác Nặm và thế giới bên ngoài với câu chuyện tình cảm động. Chuyện kể, xưa có một đôi vợ chồng bản địa, lấy nhau nhưng do làm ăn thất bát nên vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn, hai người quyết định chia tay. Trên đường ra tâu quan huyện để ly hôn, họ phải trèo qua con đèo hiểm trở, bốn mùa mây phủ. Khi đến đỉnh đèo thì trời vừa tối, cả hai phải nghỉ lại qua đêm ngay nơi núi rừng hoang dã. Thấy chồng đói lả, người vợ thương tình đã chia sẻ khẩu phần ăn mang theo của mình. Nửa đêm giông tố bỗng nổi lên, rồi tiếng hổ gầm mỗi lúc một gần, trước sự hiểm nguy đang đe dọa mạng sống, hai vợ chồng đã cùng nhau đánh đuổi hổ. Nhờ sự đoàn kết đồng lòng mà đêm đó cả hai đã thoát được nanh vuốt của thú dữ, và họ đã có với nhau một “công chúa” ngay trong đêm giông tố đó.

Đang miên man với cảnh đẹp của con đèo và câu chuyện tình cảm động Thiều vừa kể thì cả xe lại như nóng lên với câu chuyện khác của nguồn nước và cây cầu ngầm Bó Lục ở xã Bộc Bố. Theo tiếng Tày, “Bó” nghĩa là đầu nguồn, Bó Lục là đầu của 6 nguồn nước. Cây cầu này chất chứa câu chuyện ly kỳ như một lời nguyền của người dân bản địa về công tác bảo vệ rừng và vệ sinh môi trường, đảm bảo sức khỏe. Sau khi chảy qua Bó Lục, nguồn nước này chảy ngầm dưới lòng đất rồi chia 6 nhánh ra các xã phía hạ lưu. Điều đặc biệt, phía đầu nguồn nếu có người đốt rừng hay làm việc gì mất vệ sinh thì nguồn Bó Lục sẽ tự nhiên mất nước. Kéo theo sự “trừng phạt” này, người dân phía hạ lưu không còn nguồn nước sinh hoạt. Để xác định chính xác mạch nguồn nước đó, người dân đã dùng cách thả trấu xuống đầu nguồn Bó Lục, ngay hôm sau, 6 nguồn nước thuộc các xã hạ lưu xuất hiện những đám trấu hôm trước. Điều đặc biệt, năm 2001 trong khi thi công cầu ngầm này người dân đã đào được 4 cối bạc là đồ trang sức. Từ đó, câu chuyện về nguồn nước Bó Lục được thêu dệt và tăng sự “linh thiêng”, người dân nơi đầu nguồn Bó Lục không ai dám đốt phá rừng cũng như việc thải các chất xú uế xuống nguồn nước, do vậy nước ở Bó Lục lúc nào cũng lạnh và trong vắt. Đây cũng có thể lý giải tại sao nơi đây có có nhiều cụ già sống trường thọ, và một thực tế nữa từ nhiều năm nay, khu vực này cũng chưa từng xảy ra dịch bệnh.

Những em nhỏ ở Giáo Hiệu mắt sáng long lanh như những giọt sương rừng.

Thương lắm, Giáo Hiệu ơi

Chúng tôi đến Trường Mầm non Giáo Hiệu cũng là lúc nắng hè đang gay gắt nhất. Không khí như mát lại bởi sự đón tiếp trong niềm háo hức của cả cô và trò. Với làn da trắng, sở hữu giọng nói thân thiện của vùng cao, Phó Hiệu trưởng Lường Thị Hường chia sẻ: Các cháu mong các cô chú lắm. Tuy ngày nghỉ nhưng tất cả vẫn tập trung để đón đoàn. Vừa hướng dẫn nhóm trẻ chơi với con ngựa gỗ đoàn vừa tặng, Hường cho biết: Cả xã hiện có 132 cháu ở 9 lớp và được nuôi dạy ở 6 điểm trường, điểm trường chính này đã xây dựng, các điểm còn lại thì vẫn tạm bợ bằng nhà tranh đắp đất, mùa hè thì nắng nóng, mùa đông tê tái gió lùa, mưa dột và ẩm thấp. Số cháu tuy không nhiều nhưng do địa hình cách trở nên 16 cán bộ giáo viên cũng vô cùng vất vả để chăm lo cho các cháu.

Cứ tờ mờ sáng, các cô lại thay nhau đi các ngả đường đón lũ trẻ, có hôm vừa đến bờ suối thì lũ ập đến, thế là cả cô và trò nhìn nhau rồi quay về. Vừa thoắn thoắt lau mặt cho từng cháu, cô Ma Thị Khoa vừa trải lòng: Huy động các cháu đến lớp đã vất vả, nhưng để duy trì sĩ số và chăm sóc còn vất vả hơn nhiều bởi đồng bào có thói quen địu trẻ lên nương. Tiếp lời Khoa, cô giáo 9X Hoàng Thị Thập chỉ tay ra khu vườn trồng rau sau trường: “Vùng cao cái gì cũng thiếu anh ạ. Để nâng cao đời sống cho các cháu trong khi các gia đình còn khó khăn, chúng em phải nuôi gà và trồng thêm rau sạch đấy”. Thập cho biết thêm, cứ mỗi sáng, các cô lại phải làm vệ sinh lần lượt cho từng cháu trước giờ vào học. Bù lại, các cháu tuy nhỏ nhưng tính tự lập cao nên không phải dỗ dành nhiều như trẻ nơi phố thị.

Chúng tôi không ai bảo ai, mỗi người một việc, người thì cắt lại mái tóc, người gội đầu cho trẻ, người thì sửa sang lại bộ áo quần, rồi chuyền tay bế từng đứa, trìu mến như mẹ con lâu ngày gặp lại. Không giống với vẻ nhếch nhác nơi vùng cao khác, tuy lớn lên trong đói nghèo nhưng trẻ ở đây trắng trẻo và có con mắt sáng long lanh như những giọt sương rừng. Nhìn những đứa trẻ đáng yêu mới thấy được sự vất vả của các cô nơi vùng cao còn vô cùng gian khó.

Dù đã U50 nhưng Bí thư Đảng ủy xã Lộc Văn Thắng vẫn trẻ trung như gã trai làng. Nhấp chén rượu ngô sóng sánh, khà một cái, bí thư Thắng trải lòng: Mặc dù được nhà nước quan tâm nhưng đây vẫn là nơi khó khăn lắm nhà báo ạ. Cả xã chưa đến 2 nghìn người nhưng lại sống rải rác ở 8 bản. 100% đồng bào là dân tộc thiểu số, dân trí chưa cao nên việc tuyên truyền áp dụng tiến bộ KHKT khó lắm. Bà con chủ yếu trồng ngô đồi, mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ nên thiếu đói quanh năm, tỷ lệ đói nghèo chiếm 1/3 số hộ trong xã. Trầm ngâm một hồi, Phó Chủ tịch xã Hoàng Văn Hùng chia sẻ: Điện lưới và đường giao thông chưa được thông suốt là rào cản lớn nhất của Giáo Hiệu. Với địa hình hiểm trở, lắm dốc khúc khuỷu, đặc biệt vào mùa mưa bà con nhiều bản phải đi bộ hàng chục cây số để xuống trung tâm xã, nhiều lần đứt liên lạc hoàn toàn vì đường mòn sạt lở.

Trận mưa rào mùa hạ bất ngờ trút xối xả, cuốn phăng cái nóng thiêu đốt giữa ngày hè. Bí thư Thắng chỉ tay vào những dãy phòng học mầm non vừa được xây dựng: Biết là khó khăn nhưng vẫn phải nỗ lực hết mình, nhất là đối với lớp trẻ. Phải cho chúng học hành tử tế để sau còn làm thay đổi cái xã nghèo này... Bữa rượu tàn cũng là lúc mưa vừa ngớt, những đám mây trắng bồng bềnh trôi trên nền trời Giáo Hiệu. Lũ trẻ ùa ra sân nô đùa thỏa thích, chúng thi nhau giơ tay hứng những sợi nắng đang soi rọi làm cho từng gương mặt bừng sáng dưới ánh nắng chiều trong vắt sau mưa.

Bài và ảnh: Thanh Hội

 

 


Ý kiến của bạn