Hà Nội

Khắc dấu lời nhận xét?

26-10-2014 20:28 | Tin nóng y tế
google news

Chủ trương đánh giá học sinh tiểu học không bằng điểm số ngoài nhận xét từ cô giáo của Bộ GD và ĐT mới thực hiện gần đây là một chủ trương đúng.

Chủ trương đánh giá học sinh tiểu học không bằng điểm số ngoài nhận xét từ cô giáo của Bộ GD và ĐT mới thực hiện gần đây là một chủ trương đúng. Cấp tiểu học, nhất là các lớp đầu cấp cần được chăm sóc sức khỏe, rèn luyện chữ viết, đọc thông, không lẫn l-n và làm những phép tính đơn giản là điều mong mỏi của tất cả các bậc làm cha mẹ. Việc bỏ chấm điểm không hẳn chỉ là chuyện “bỏ áp lực cho học sinh” mà còn là cách nhìn đúng về giáo dục tiểu học.

Cho điểm tức là xếp loại các học sinh trong lớp và với các cháu nhỏ có cần thiết phải phân định các mức cao thấp quá tỉ mỉ giữa các cháu trong một lớp? Từ hệ mầm non, các cháu cũng có “học”, song đã có sự bình đẳng và chỉ có phiếu bé ngoan hoặc không có phiếu vào cuối tuần. Với kiến thức những năm đầu trên ghế nhà trường, các cháu học sinh tiểu học cần động viên, chỉ bảo ân cần hơn là việc “so tài” qua những con số đánh giá lạnh lùng.

Một số phản ứng của một số trường và giáo viên gần đây có vẻ thái quá với lý do áp lực cho giáo viên. Áp lực cho giáo viên là có, do một lớp quá đông học sinh, đáng lẽ 35 cháu/lớp đã lên tới 50-60 cháu/lớp chứ không phải vì phải ghi nhận xét. Từ rất lâu cho tới nay, bài kiểm tra của các cháu vẫn có 2 ô “điểm” và “lời nhận xét của cô giáo”, khi cô giáo chỉ cho điểm mà không ghi lời nhận xét tức là đã bỏ qua một khâu đánh giá quan trọng. Nay bỏ chấm điểm chỉ ghi nhận xét, sao lại gọi là thêm áp lực?

Bấy nay, không nhận xét chỉ ghi điểm cho nhanh vì “áp lực”, giờ bỏ ghi điểm thì việc phải nhận xét thành gánh nặng? Hay vì thời đại vi tính, đến cô giáo cũng ngại viết ngoài việc nhấn bàn phím?

Thế là những sáng kiến “khắc dấu lời nhận xét” như “Con có cố gắng”, “Con giỏi lắm”… được “phát minh”! Cái con dấu này còn tệ hại hơn việc cho điểm thể hiện sự quan liêu và công thức trong chính đội ngũ những người được gọi là “thầy”. Nhận xét của cô giáo là thái độ đánh giá, mong muốn, chỉ bảo cụ thể với từng cháu mang tất cả tình cảm người thầy sao có thể thay bằng biện pháp hành chính. Chữ trên con dấu có đẹp, mực dấu có tươi vẫn không thể hiện được tình cảm thầy dành cho trò qua con chữ từ chính tay thầy, từ trái tim thầy. Ngay người lớn nhận thư người thân viết tay với thư gõ vi tính cùng một nội dung nhưng cảm nhận còn khác nữa là! Với hàng chục cháu trong lớp với hàng trăm lời nhận xét cụ thể cần có, nếu cứ khắc dấu, không lẽ mỗi cô giáo đến trường phải khoác thêm túi đựng lủng củng hàng chục con dấu?

Có thể có những con dấu mặt cười, mặt khóc…đóng vào bài vở các cháu cho sinh động như thanh niên chát chít trên mạng vẫn làm nhưng không thể thay cho những lời nhận xét. Các cháu đọc nhận xét của cô, cảm nhận được tình cảm của người thầy, người mẹ, học được ở chính cô qua “nét chữ nết người”. Giáo dục là “trồng người” chứ không đào tạo ra những người máy. Ngoài kiến thức, “chữ của thầy” qua nhận xét với sắc độ tình cảm thể hiện sự yêu thương, mong mỏi của cô giáo chính là những hạt mầm đẹp gieo vào tâm hồn các cháu, tạo nên nhân cách!

Giải quyết áp lực cho giáo viên tiểu học bằng  cách xây thêm trường lớp, giảm sĩ số trong lớp là cần thiết. Việc đánh giá học sinh qua điểm và lời nhận xét bấy nay được bỏ khâu cho điểm là phù hợp với mục tiêu giáo dục tiểu học.

Bỏ cho điểm, nhận xét bằng con dấu khô cứng đóng lên thật phản cảm và thiếu tính giáo dục bởi cô giáo là người thầy, đâu phải công chức xét duyệt bài vở của trò! Thiết nghĩ, một chủ trương đúng được thực hiện bằng sự đối phó còn tệ hại hơn trước khi có chủ trương đúng. Vấn đề vẫn là trách nhiệm và trái tim người thầy dành cho học sinh.

Lê Quý Hiền

 


Ý kiến của bạn