Hà Nội

Khác biệt về nhân sự y tế giữa Australia và Việt Nam

TS.BS. Võ Xuân Sơn

TS.BS. Võ Xuân Sơn

02-05-2016 21:46 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Nhân sự y tế là vốn quí. Do vậy ở Australia, mọi nhân viên y tế đều có thể làm ở nhiều nơi. Các cơ sở y tế Australia không “sở hữu” nhân sự, riêng đối với bác sĩ, họ được coi là cộng tác viên, quyết định sự thành bại của bệnh viện tư.

Chỉ còn một ngày nữa, đợt tham quan, tìm hiểu và học tập về quản lí y tế của chúng tôi ở Australia sẽ kết thúc. Ngày hôm nay, chúng tôi có buổi làm việc với Bộ Y tế bang Victoria chung với đoàn của Bộ Y tế và Quốc hội.

Điểm nổi bật nhất khái niệm về vai trò của y tế. Nếu như y tế Việt nam tập trung vào chủ thể sức khỏe, thì y tế Australia tập trung vào cung cấp dịch vụ sức khỏe. Mới nghe thì không có gì khác nhau, nhưng trên thực lế, có một sự khác biệt rất lớn.

Hầu như tất cả các bệnh viện công của Australia đều có khoa cấp cứu, trong khi đó, hệ thống Healthscope với 46 cơ sở y tế, trong đó sở hữu 31 bệnh viện, thuê lại 11 bệnh viện, và 4 bệnh viện trong ngày, mà chỉ có 6 phòng cấp cứu. Lí do là kinh doanh cấp cứu lỗ quá. Có ý kiến cho rằng, như vậy thì bất công quá.

Nhưng không, vấn đề nằm ở chỗ, bệnh viện tư cung cấp 75% dịch vụ phẫu thuật. Không phải bệnh viện công không phẫu thuật được, mà là nếu bệnh nhân mổ ở bệnh viện tư thì được quyền chọn bác sĩ, và được mổ sớm hơn. Tư tưởng chủ đạo ở đây là: việc được chọn bác sĩ và được mổ sớm là quyền lợi của người dân, trách nhiệm của chính quyền là làm sao để người dân được cung cấp dịch vụ ấy, để họ hài lòng.

Khac-biet-ve-nhan-thuc-nhan-su-y-te-giua-Australia-va-Viet-Nam

Việc phát triển y tế tư nhân giúp Australia dễ dàng cung cấp dịch vụ sức khỏe tốt nhất cho người bệnh

Cho nên, mặc dù bệnh viện tư chọn lọc ca “ngon” để mổ, thì chính quyền vẫn ủng hộ. Không có bất công nào ở đây cả. Chính quyền không phải tốn thêm tiền, cũng không phải mất công gì mà một số dịch vụ sức khỏe tốt cho người dân vẫn được cung cấp. Bệnh viện công sẽ tập trung tiền bạc, sức lực vào cấp cứu, vào các phẫu thuật có nguy cơ cao, và cố gắng cung cấp những dịch vụ sức khỏe tốt nhất cho người dân.

Như vậy, chính quyền Australia chú trọng đến việc cung cấp dịch vụ sức khỏe tốt nhất cho người bệnh, và họ sẽ tìm cách để những dịch vụ ấy được cung cấp ở mức tốt nhất, mà chính quyền phải bỏ chi phí ít nhất. Trên cơ sở cung cấp dịch vụ tốt nhất, sức khỏe của người dân được bảo đảm hơn. Nếu bắt tất cả các bệnh viện tư nhân phải có cấp cứu, để bảo đảm người dân vô bệnh viện nào cũng được cấp cứu, thì sẽ có rất ít bệnh viện tư, thì 75% người bệnh không được đáp ứng yêu cầu, người dân ít hài lòng…

Như vậy, nhiệm vụ của chính quyền là tạo điều kiện tốt nhất để y tế tư nhân phát triển, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền.

Vấn đề thứ hai là nhân sự. Nhân sự y tế là vốn quí. Do vậy, mọi nhân viên y tế đều có thể làm ở nhiều nơi. Họ có thể hợp đồng làm cho bệnh viện công một thời gian nào đó, và thời gian khác (trong giờ) làm cho bệnh viện tư. Tại bệnh viện Horizon, đại học South Australia, lãnh đạo ở đây rất tự hào, rằng giảng viên của họ toàn bộ là những người đang làm trong các bệnh viện, vì vậy mà những gì họ giảng dạy đều có tính thực tế, chứ không chỉ có kiến thức hàn lâm phi thực tế.

Khi được hỏi về vấn đề nhân sự, tất cả các cơ sở đều đưa ra con số nhân viên, nhưng con số ấy không bao gồm các bác sĩ. Các bác sĩ không phải là nhân viên. Các bác sĩ được coi là các cộng tác viên. Bệnh viện tư có trách nhiệm thu hút các bác sĩ chuyên khoa mang bệnh nhân đến bệnh viện mình mổ hoặc điều trị nội trú. Các bác sĩ chuyên khoa lại phải tìm cách thu hút các bác sĩ gia đình gởi bệnh nhân đến cho mình, và bác sĩ chuyên khoa sẽ quyết định gởi bệnh nhân đến bệnh viện nào.

Như vậy, các cơ sở y tế Australia không “sở hữu” nhân sự, riêng đối với bác sĩ, họ được coi là cộng tác viên, quyết định sự thành bại của bệnh viện tư.


TS.Bs Võ Xuân Sơn
Ý kiến của bạn
Tags: