Hà Nội

Khác biệt lớn nhất giữa Google và Facebook

30-06-2015 11:22 | Tin nóng y tế
google news

Đâu là sự khác nhau lớn nhất giữa gã khổng lồ tìm kiếm với mạng xã hội đông người dùng nhất thế giới hiện nay, theo cái nhìn của một nhân viên từng làm việc tại cả hai nơi?

Không lâu sau khi Lars Rasmussen chuyển từ Google sang Facebook vào tháng 12/2010, các đồng nghiệp, cựu đồng nghiệp lẫn người quen đều đồng loạt "dội bom" anh bằng cùng một câu hỏi: Làm việc cho hai hãng này có gì khác nhau?

Nên biết rằng, trước đó 2 năm từng diễn ra một đợt "di cư" rầm rộ của các nhân viên Google với đích đến mới là Facebook, nhưng nhiều người vẫn rất muốn xin lời khuyên từ Rasmussen để lựa chọn nơi làm việc phù hợp với mình. Lý do? Rasmussen là một nhân viên thâm niên ở cả hai nơi, đủ để hiểu họ chân tơ kẽ tóc. Anh từng dành 6 năm cống hiến cho Google sau khi gã khổng lồ tìm kiếm mua lại công ty bản đồ Where2 Technologies vào năm 2004, còn thời gian gắn bó với Facebook cũng xuýt xoát 5 năm.

"Sự khác biệt lớn nhất là tầm quan trọng của kỹ sư so với chuyên viên thiết kế. Tại Google, các kỹ sư có tầm ảnh hưởng lớn hơn hẳn so với các nhà thiết kế, trong khi ở Facebook, tình thế hoàn toàn trái ngược".

Trong mọi quyết định của mình, Google luôn dựa trên việc phân tích dữ liệu. Tương truyền, hãng này từng thử nghiệm tới 42 tông màu xanh da trời khác nhau trước khi chọn đường màu xanh ưng ý cho đường link đặc trưng của mình. Tiêu chí không phải là màu nào đẹp nhất, mà tông màu đó có khuyến khích được nhiều người click vào hay không. Mọi quyết định đều cần có cả tá số liệu và dữ liệu hậu thuẫn phía sau, thiết kế hấp dẫn chỉ là yếu tố thứ yếu.

Tất nhiên, không phải là Facebook không tiến hành những thử nghiệm và thu thập dữ liệu của riêng mình. Nhưng ở mạng xã hội này, sản phẩm luôn đi đầu, kế đến mới là các yếu tố khoa học hậu thuẫn nó. Điều này khác với ở Google khi các nghiên cứu quy mô được chuyển hóa thành sản phẩm.

Rasmussen không có ý định nói cách làm nào hay hơn. Trên thực tế, anh cho rằng cả hai hãng đều đang bắt đầu đi lấn sang đường của hãng kia. Sau khi Larry Page ngồi lại vào chiếc ghế CEO của Google hồi năm 2011, ông này đã đưa ra nhiều tuyên bố gây bất ngờ cho các nhân viên của mình. Một trong số đó là việc Google sẽ bắt đầu tập trung hơn cho trải nghiệm người dùng và "thẩm mỹ hóa" các sản phẩm của mình, khiến cho chúng trở nên đẹp mắt, hấp dẫn hơn.

Trong khi ấy, Facebook lại thành lập một nhóm nghiên cứu riêng về trí tuệ nhân tạo hồi tháng 12/2013. Nhóm này vừa mới khai trương một phòng thí nghiệm mới ở Paris hồi đầu tháng 6.

Một sự khác biệt nữa là Google thống trị thế giới công nghệ những năm 2000, còn Facebook là thế lực thống trị những năm 2010. "Google vẫn hùng mạnh, nhưng họ không còn là hãng tạo ra xu hướng và dẫn dắt ngành công nghệ như trước đây nữa. Họ luôn cố gắng, điều đó rất đáng khen ngợi. Nhưng bây giờ đang là kỷ nguyên của mạng xã hội và di động, tôi nghĩ Facebook và Apple mới là hai cái tên thiết lập xu hướng hiện nay", Rasmussen kết luận.

T.C

 


Ý kiến của bạn