Lợi và hại từ 3 phương pháp ngừa viêm mũi dị ứng
Bệnh viêm mũi do dị ứng (VMDƯ) - thể hiện ở trạng thái chảy nước mũi hay nghẹt mũi, chảy nước mắt và hắt xì hơi, đặc biệt khi thay đổi thời tiết, thay đổi từ phòng điều hòa ra ngoài trời nắng. Cùng đó là các chứng dị ứng thực phẩm, bệnh eczema hay các chứng viêm da do tiếp xúc và hen suyễn do dị ứng - cảm giác khó thở khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng... là một trong số những căn bệnh liên quan đến bệnh VMDƯ. Hiệp hội Dị ứng và Miễn dịch học Malaysia (MSAI) ước tính rằng cứ 3 người Malaysia thì có 1 người mắc phải một trong các chứng bệnh dị ứng. Dị ứng là một xu hướng y tế đang gia tăng trên toàn cầu. Các chuyên gia dự đoán rằng nếu khuynh hướng này tiếp tục phát triển thì một nửa đất nước Malaysia sẽ bị ảnh hưởng bởi căn bệnh dị ứng vào năm 2020. Dù không gây tử vong cho bệnh nhân nhưng người mắc phải các căn bệnh này, chất lượng cuộc sống của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Điều này đặc biệt đúng với những người bị dị ứng khi tiếp xúc với các chất có sẵn trong môi trường, như bụi, lông súc vật, phấn hoa, các loài ve bọ. Theo nhà nghiên cứu TS. Silva Pecanic - bác sĩ y khoa người Croatia, cho biết: “Có 3 phương pháp quản lý chủ chốt, đó là: tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng; dùng thuốc. Hiện nay thuốc được sử dụng bao gồm bơm steroid vào mũi, nhưng cách này để lại nhiều tác phụ như làm khô mũi và sau thời gian sử dụng lâu dài, nó có thể làm mỏng niêm mạc mũi, gây chảy máu mũi hoặc nhiễm khuẩn, dùng các loại thuốc ức chế leukotriene.
Với bệnh nhân mắc chứng dị ứng theo mùa, tinh chất từ rễ cây A. membranaceus (đậu ván dại) sẽ được sử dụng 1 tháng trước mùa bệnh như một biện pháp phòng ngừa.
Điều chỉnh các gen gây dị ứng
Gần đây người ta đang đề cập đến một hướng điều trị dị ứng mới dựa trên một loại thảo dược có tên là Astragalus membranaceus (loài cây đậu ván mọc hoang dã). Chức năng chính của loài dược thảo trong y học cổ truyền là dùng làm nước uống tăng lực, đồng thời còn làm tăng cường hệ miễn dịch, cũng như điều trị bệnh đái tháo đường. Chính chức năng cuối cùng này đã khiến một tốp các nhà nghiên cứu tại Viện Ruder Bokovic ở Zagreb (Croatia) để ý và nghiên cứu chuyên sâu hơn về rễ của loài cây này cách đây 14 năm.
Trong suốt cuộc nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng, tinh chất chiết xuất từ rễ cây A.membranaceus đã ảnh hưởng đáng kể đến một số gen có liên quan đến phản ứng viêm sưng. Sau đó, họ đã tiến hành hàng loạt các thí nghiệm, gồm thử nghiệm trên động vật và lâm sàng, để chứng minh rằng nó đã ảnh hưởng đến hơn 20 gen có liên quan đến quá trình viêm sưng. Nghiên cứu về tinh chất của rễ cây A.membranaceus đã giúp để điều chỉnh các gen có liên quan trong Th1 (tế bào trợ giúp T týp 1). Tăng cường hoạt động của con đường này sẽ giúp làm cân bằng Th2 (tế bào trợ giúp T týp 2), chịu trách nhiệm trong việc giải phóng histamin và các hóa chất trung gian viêm sưng khác là nguồn cơn gây nên các hội chứng dị ứng.
Cung cấp cứu trợ hiệu quả
Vào năm 2007, TS. Silva Pecanic và các đồng nghiệp đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng mù đôi ngẫu nhiên tại Bệnh viện Đại học Dubrava, ở Zagreb (Croatia). Theo đó, 48 bệnh nhân bị mắc bệnh viêm mũi dị ứng theo mùa đã được chia thành 2 nhóm ngẫu nhiên và tham gia đợt thí nghiệm điều trị lâm sàng kéo dài 6 tuần. 2/3 số bệnh nhân đã nhận một liều thuốc từ tinh chất rễ cây A.membranaceus, trong khi 1/3 số bệnh nhân khác chỉ dùng giả dược. Không có thêm sự điều trị dị ứng nào từ các liệu pháp y khoa khác được cho phép. Theo TS. Silva Pecanic, những bệnh nhân dùng tinh chất rễ cây đậu ván dại đã có những cải thiện sức khỏe đáng kể đối với triệu chứng chảy nước mũi sau 3 tuần điều trị; tương tự sau 6 tuần điều trị, cảm giác ngứa và cay mắt cũng thuyên giảm.
Thêm vào đó, đánh giá khả quan về hiệu quả của các bệnh nhân và các bác sĩ đã cho thấy có một sự nhất trí rằng: tinh chất của rễ cây đậu ván dại tốt hơn so với dùng giả dược. TS. Silva Pecanic quả quyết: “Có rất ít phản ứng phụ và tất cả các bệnh nhân đều thật sự mắc các hội chứng như nhau của bệnh dị ứng. Kết luận là không hề có bất kỳ phản ứng bất lợi nào liên quan đến tinh chất rễ cây”. Trong khi điều trị lâm sàng đã được ứng dụng vào lúc bắt đầu mùa dị ứng, song TS. Silva Pecanic cho rằng việc điều trị tốt nhất là khi bắt đầu khoảng 1 tháng trước khi tiếp xúc với chất dị ứng hay mùa dị ứng (chẳng hạn như mùa xuân tại các quốc gia ôn đới khi phấn hoa bắt đầu phát tán), như là một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Bệnh nhân cần được điều trị trước các rủi ro do tiếp xúc với chất gây dị ứng.
Tuy nhiên, với những bệnh nhân bị dị ứng lâu năm hay liên tục bị dị ứng cũng có thể điều trị bất kỳ lúc nào, thuốc sẽ hoạt động để giảm thiểu các hội chứng mà bệnh nhân mắc phải. Họ cũng cần những liều tinh chất rễ cây mạnh hơn cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm, và rồi họ có thể tiếp tục với các liều duy trì cho đến khi họ không cần gặp phải rủi ro do tiếp xúc với chất gây dị ứng.
(The Star, 6/2014)
Nguyễn Thanh Hải