Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước trong tháng 2 đã tiếp tục trượt 0,05% so với tháng 1/2015, đánh dấu tháng thứ 4 sụt giảm liên tiếp chủ yếu vẫn do giá dầu thô ở mức thấp.
Theo CTKC Bản Việt (VCSC), giao thông vận tải tiếp tục là nhóm sụt giảm nhiều nhất khi trượt 4,41% so với tháng 1/2015. Đáng chú ý, nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng nhẹ (tăng 0,53% so với tháng 1/2015) dù là trong tháng Tết, khi VCSC dự báo mức tăng trên 1%.
Bản Việt cho rằng mức tăng giá thấp hơn kỳ vọng của nhóm hàng này so với mức thường thấy trong kỳ nghỉ Tết là do sự sụt giảm giá xăng và các hàng hóa khác nói chung.
Ngoài ra, nguồn cung cũng dồi dào hơn năm trước, khi số lượng và chủng loại hàng hóa như thịt, gạo, và rau củ đều gia tăng tại các siêu thị.
Tuy nhiên, Bản Việt vẫn giữ dự báo tỷ lệ lạm phát vào cuối năm nay là 4% khi giá dầu thô đang cho thấy sự phục hồi gần đây, dẫn đến sẽ có khả năng giảm giá xăng dầu là rất thấp và việc tăng giá điện chuẩn bị diễn ra.
Cụ thể, vào ngày 24/2 giá xăng vẫn không đổi dù giá xăng RON92 tại Singapore đã tăng 20% trong kỳ công bố nhờ sử dụng trợ giá 2.448 đồng/lít từ Quỹ bình ổn xăng dầu.
Theo ước tính của Bản Việt, Quỹ bình ổn sẽ hết trong vòng 2 tháng với mức trợ giá như hiện tại, và nếu giá xăng dầu tại Singapore tăng lên USD86/thùng, mức trợ giá sẽ phải tăng lên 5.000 đồng/lít. Như vậy, việc giá dầu thô tiếp tục phục hồi chắc chắn sẽ làm tăng giá xăng khi Quỹ bình ổn được sử dụng hết.
Trong tháng 3, Bản Việt vẫn kỳ vọng giá cả tiếp tục giảm do giá cả thông thường giảm sau kỳ nghỉ lễ. Hơn nữa, nhóm phân tích cho rằng ảnh hưởng của giá nhiên liệu thấp sẽ vẫn tiếp tục trong tháng 3.
Trong khi đó, trong đợt điều chỉnh giá xăng kế tiếp vào ngày 10/3, VCSC chỉ kỳ vọng sự tăng nhẹ khi lượng tiền còn lại của Quỹ bình ổn vẫn đủ cho thêm một đợt trợ giá nữa. Theo đó, Bản Việt dự báo CPI tháng 3 sẽ giảm 0,18% so với tháng 2.
Cũng theo Bản Việt, tổng mức bán lẻ thực giảm từ mức cao của tháng trước, nhưng vẫn tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ danh nghĩa trong tháng 2 tăng trưởng 11,4% so với cùng kỳ năm 2014 (mức tăng trưởng là 13% trong quý tháng 1/2015 và 11,6% trong tháng 2/2014). Trong khi đó, tăng trưởng tổng mức bán lẻ thực trong tháng 2 đạt 10,7% (mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái chỉ là 6,2%), mặc dù tốc độ tăng trưởng đã giảm từ mức cao nhất trong 7 năm 11,9% của tháng 1/2015.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng 2 con số của tổng mức bán lẻ thực cho thấy sự phục hồi của nhu cầu nội địa cùng với mặt bằng giá cả ổn định.