Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã đánh giá hệ thống miễn dịch của 4 trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi đã khỏi bệnh sau nhiễm COVID-19 và so sánh với những người lớn cũng đã khỏi bệnh sau nhiễm COVID-19. Kết quả cho thấy, so với người lớn, trẻ sơ sinh tạo ra lượng kháng thể và tế bào miễn dịch khá cao có thể giúp phòng ngừa đặc hiệu đối với SARS-CoV-2.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, đó có thể là lý do tại sao trẻ sơ sinh dường như có khả năng chống chọi tốt hơn đối với COVID-19 để tồn tại trong khi trẻ nhỏ thường được coi là đối tượng dễ bị tổn thương khi nhiễm bệnh.
Theo tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Anu Goenka, giảng viên lâm sàng tại Trường Đại học Bristol và Bệnh viện Nhi Hoàng gia Bristol (Anh): "Bằng cách thực hiện một nghiên cứu chi tiết tìm hiểu những trẻ sơ sinh được bảo vệ khá tốt tránh được tình trạng nhiễm COVID-19 nặng, chúng tôi đã phát hiện ra khả năng miễn dịch bảo vệ liên quan tới việc hình thành kháng thể và tế bào miễn dịch đặc hiệu chống lại SARS-CoV-2 ở trẻ".
Goenka nhấn mạnh: "Đây là thông tin rất hữu ích cho việc chế tạo vắc-xin phòng COVID-19 trong tương lai bằng cách tạo ra và bắt chước đặc tính miễn dịch bảo vệ như ở trẻ sơ sinh".
Goenka và nhóm nghiên cứu hy vọng phát hiện này sẽ được khẳng định trong một nghiên cứu lớn với nhiều trẻ sơ sinh hơn, đồng thời cũng sẽ tiến hành so sánh đáp ứng miễn dịch của trẻ sơ sinh và người lớn trong khi nhiễm COVID-19, cũng như tại một số thời điểm hồi phục sau khỏi bệnh.
Nhóm nghiên cứu cho biết, trong đại dịch COVID-19, trẻ nhỏ ít có nguy cơ bị tình trạng trầm trọng khi nhiễm COVID-19 so với người lớn. Đó là điều rất bất ngờ, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, là đối tượng dễ bị tình trạng bệnh nặng khi nhiễm các virut hô hấp khác, chẳng hạn như RSV (virut hợp bào hô hấp) và cúm.