Chủ tịch mới của Đại hội đồng, ông Philemon Yang, đã trình bày tầm nhìn về việc thúc đẩy sự đoàn kết trong bối cảnh đa dạng và kêu gọi hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn để đối phó với các thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu, xung đột và sự chậm trễ trong phát triển bền vững.
Ông Yang nhấn mạnh, kinh tế toàn cầu cần phải phát triển một cách công bằng, dựa trên đổi mới và chuyển sang nền kinh tế xanh, để đảm bảo rằng tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều hưởng lợi từ sự phát triển này.
Chủ tịch Khóa 79 cũng khẳng định, hòa bình và an ninh là những ưu tiên hàng đầu; đồng thời kêu gọi các quốc gia giải quyết các cuộc xung đột đang diễn ra, bao gồm những cuộc xung đột ở Dải Gaza, Haiti, Ukraine và khu vực Hồ Lớn của châu Phi. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần nỗ lực giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin toàn cầu".
Về nhân quyền, Đại hội đồng cam kết tăng cường phối hợp các nỗ lực nhân đạo, nhằm đảm bảo viện trợ nhanh chóng và hiệu quả đến tay những người cần nhất. Bên cạnh đó, các biện pháp đối phó với các mối đe dọa toàn cầu như khủng bố, buôn bán ma túy, buôn người và nô lệ hiện đại cũng được chú trọng, với mục tiêu bảo vệ nhân phẩm con người.
Tổng thư ký Liên hợp quốc, António Guterres, cũng phát biểu tại lễ khai mạc, nhấn mạnh sự cần thiết của hành động chung để đối phó với một thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Ông đánh giá cao sự lãnh đạo của ông Yang và cam kết sẽ hợp tác hết mình để thống nhất các quốc gia hướng đến các mục tiêu chung.
Ông Guterres nhấn mạnh, Liên hợp quốc luôn là nơi đưa ra các giải pháp đa phương dựa trên hợp tác, đối thoại và ngoại giao, theo Hiến chương Liên hợp quốc. Ông cũng chỉ ra các thách thức như nghèo đói, bất bình đẳng, khủng hoảng khí hậu và cho rằng, cần có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển bền vững, tạo việc làm, đặc biệt là cho phụ nữ và người trẻ.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng nhắc đến vai trò quan trọng của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và nhấn mạnh, cần phải đảm bảo các công nghệ này được sử dụng để thúc đẩy sự tiến bộ chứ không phải cản trở nó. Ông kết luận: "Từng bước một, chúng ta có thể xây dựng lại lòng tin và đoàn kết với nhau".
Đáng chú ý, phiên khai mạc này cũng đánh dấu lần đầu tiên Nhà nước Palestine tham gia Đại hội đồng với tư cách quan sát viên, sau khi nghị quyết ES-10/23 được thông qua. Tuy nhiên, Palestine không có quyền bỏ phiếu hoặc đề cử ứng cử viên cho các cơ quan chính của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an hoặc Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc.
Quyền tham gia đầy đủ của Palestine vẫn phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng Bảo an.