Sau tai biến dùng ketamin (gây mê để nội soi) vừa xảy ra, có nhiều ý kiến khác nhau về loại thuốc này. Điểm lại lợi ích, nguy cơ và sự lạm dụng ketamin trong và ngoài nước để có cách nhìn toàn diện hơn, góp phần vào việc dùng thuốc hợp lý an toàn.
Ưu điểm của thuốc
Ketamin được tổng hợp từ thập niên 60, đến thập niên 70 của thế kỷ trước đã được dùng rộng rãi trong:
Gây mê: Ketamin cắt đứt có chọn lọc các con đường hội tụ ở não, nên có tác dụng gây mê phân lập làm dịu thần kinh, mất tri thức, bất động, không cảm thấy đau (mặc dù có vẻ như vẫn tỉnh). Trong khi gây mê, ketamin không làm mất phản ứng hầu và thanh quản, giữ được kích thích bình thường trên hệ tim mạch, hô hấp. Áp dụng tính năng này, dùng ketamin gây mê (trong chẩn đoán hay phẫu thuật) ngắn mà không yêu cầu phải giãn cơ. Cũng có thể dùng trong gây mê bổ sung (khởi mê bằng ketamin, sau đó duy trì mê bằng các thuốc gây mê khác, phối hợp với thuốc gây mê yếu như nitrogen peroxyt để tăng cường mê).
Dùng ketamin để gây mê. Ảnh: google |
Ketamin kích thích hô hấp và tim mạnh, có thể dùng cho người có nguy cơ cao khi bị sốc do giảm thể tích máu. Ketamin còn làm giãn phế quản, có thể dùng cho người bị hen phế quản và điều trị hen bằng thở máy.
Độ an toàn và tác dụng phụ
- Độ an toàn: Ketamin hấp thu nhanh, phân bố nhanh và thải trừ cũng nhanh (1,3lít /phút), có chu kỳ bán hủy ngắn (2-3 giờ), hiếm khi gây ra tai biến. Một nghiên cứu (Green SM, Clem KJ, Rothrock SG, Đại học Loma Linda- 1996) cho biết: đã tổng kết việc dùng ketamin của 172 bác sĩ ở các nước đang phát triển, trong điều kiện bác sĩ phẫu thuật dùng với chuyên viên gây mê hay bác sĩ phẫu thuật dùng kiêm luôn việc gây mê; có đo lượng ôxy mao mạch (15%), theo dõi monitor (15%), kiểm tra dấu hiệu sinh tồn ngắt quãng (45%). Kết quả: 12.884 người dùng ketamin trong điều kiện ấy, chỉ có 1 cháu bé tử vong ở phòng hậu phẫu không rõ nguyên nhân, 1 người lớn ngừng tim sau khi đặt nội khí quản thất bại, và 16 trường hợp tai biến (trong đó có 10 ngưng thở, 6 co thắt phế quản, 1 ít lại chất nôn), nhưng tất cả đều nhẹ, thoáng qua, không để lại di chứng. Từ kết quả này, các tác giả đánh giá: “ketamin có độ an toàn khá cao ngay khi trong điều kiện dùng hạn chế...”
Về tác dụng phụ, ketamin có một số tác dụng phụ trên tim mạch, hô hấp, thần kinh như: làm tăng huyết áp, mạch nhanh, suy hô ấp, ngừng thở, co thắt thanh quản, co cứng, nhìn đôi (chỉ xảy ra khi dùng liều cao hoặc tiêm tĩnh mạch nhanh); gây ảo giác, ác mộng. Theo White (1997), tần suất ảo giác, ác mộng thay đổi từ 5% đến 30% khi dùng với liều cao để gây mê (tiêm tĩnh mạch trên 2mg/kg hay truyền tĩnh mạch trên 40mg/ phút), đồng thời liên quan đến tuổi, giới và tùy từng người bệnh. Nhiều nghiên cứu (trong đó có Krystal -1998) cho thấy: dùng liều thấp, với tốc độ truyền trên 2,5mcg/kg/phút không thấy gây ảo giác, ác mộng. Dùng liều thấp làm giảm đau cũng không thấy hiện tượng này.
Cả hai loại tác dụng phụ (nói trên) tăng cao khi nồng độ ketamin trong huyết tương trên 200 nanogam/lít. Do đó, các nhà sản xuất đều có quy định các chống chỉ định và liều dùng. Chống chỉ định cho người tăng huyết áp (kể cả người có tiền sử tai biến mạch máu não), sản giật, tiền sản giật.
Từ những năm 1980, ketamin đã bị dân chơi trẻ tuổi kết hợp với chất gây nghiện cổ điển hay ecstasy dưới dạng hít (inhalants) hoặc dạng bột (trộn với cần sa). Dân chơi gọi bằng những tiếng lóng là “K”- “vitamin K”- “Cat valium”. Sự lạm dụng này, tạo ra ảo giác, mất trí nhớ làm cho người dùng quên đi tất cả, giảm khả năng suy nghĩ, không nhớ mình đã hành động sai, mất nhân cách như thế nào, lao vào cuộc chơi... nhưng sau đó bị nôn mửa, mê sảng...; nặng hơn nữa bị tê liệt, khó thở dẫn đến tử vong (liều cao có thể chết ngay trong khi chơi).
Ketamin có từ 30 năm nay hiện vẫn còn dùng song song các thuốc thế hệ mới, chưa có nước nào cấm dùng (kể cả các nước phát triển). Bộ Y tế nước ta cho dùng trong bệnh viện (tuyến 1-2-3 và 4) là phù hợp với thông lệ chung. Ketamin là thuốc có độ an toàn cao với điều kiện phải dùng đúng chỉ định, đúng liều, đúng kỹ thuật. Làm không đúng những điều này có thể bị tai biến.