Kết thúc đại dịch HIV vào năm 2030- Quyết liệt chung tay hành động trong giai đoạn nước rút

01-12-2019 11:02 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sáng 1/12/2019, tại Quảng trường 3/2, thành phố Bắc Giang đã diễn ra Lễ mít tinh, diễu hành cấp quốc gia hưởng ứng Tháng hành động quốc gia, phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2019. Hơn 2.200 đại biểu đã tham gia buổi lễ. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Sáng 1/12/2019, tại Quảng trường 3/2, thành phố Bắc Giang đã diễn ra Lễ mít tinh, diễu hành cấp quốc gia hưởng ứng Tháng hành động quốc gia, phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2019.  Hơn 2.200 đại biểu đã tham gia buổi lễ. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Thông tin cho biết, đại dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và tương lai nòi giống của các dân tộc.

Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) năm 2018, thế giới có hơn 37,9 triệu người nhiễm HIV hiện đang còn sống và khoảng hơn 35 triệu người đã tử vong do AIDS. Mỗi ngày qua đi thế giới có khoảng 5.000 người nhiễm mới HIV và như vậy mỗi năm thế giới này lại có khoảng 1,7 triệu người nhiễm mới và khoảng 770 ngàn người tử vong do AIDS.

Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền các cấp, sự tham gia của các Ban, ngành, đoàn thể và của nhân dân, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2019 là năm thứ 11 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả ba tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Việt Nam đã và đang triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp  dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV. Nhiều mô hình hiệu quả của thế giới đang được áp dụng tại Việt nam, điển hình là việc áp dụng khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới điều trị thuốc ARV ngay cho người nhiễm HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4,  cấp thuốc ARV 3 tháng một lần cho những người tuân thủ điều trị tốt; tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm; điều trị dự phòng bằng thuốc ARV trước phơi nhiễm HIV (PrEP); điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và Buprenorphine. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã chi trả điều trị HIV/AIDS bao gồm cả thuốc ARV thông qua Quỹ bảo hiểm y tế để đảm bảo sự tiếp cận cho người nhiễm HIV và tính bền vững của chương trình...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Lễ mít tinh

Hiện nay, nước ta đã có hơn 140.000 nghìn người nhiễm HIV đang được điều trị ARV; gần 5.000 người đang được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV; hơn 54 nghìn người nghiện ma túy đang được điều trị bằng thuốc Methadone. Mỗi năm nước ta đã xét nghiệm HIV cho khoảng 3 triệu người; hàng chục triệu lượt người được tiếp cận truyền thông, bao cao su, bơm kim tiêm. Việt Nam là nước đứng đầu trong các nước được PEPFAR hỗ trợ đạt được tỷ lệ cao nhất về tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (trên 93%). Đây là những con số hết sức ấn tượng. Cộng đồng quốc tế đã đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS, là nước áp dụng được nhiều sáng kiến mới trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.

Tuy nhiên, để có được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức cộng đồng. Phát biểu tại buổi lễ mít tinh, bà Caryn McClelland – Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đánh giá cao vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS; cho rằng, cộng đồng đóng một vai trò sống còn trong việc kiểm soát và cuối cùng là chấm dứt dịch HIV/AIDS. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn trong việc thu hút các cộng đồng và hợp tác thông qua các tổ chức dựa vào cộng đồng. Điển hình là việc đưa vào triển khai xét nghiệm tại cộng đồng đã giúp những quần thể có nguy cơ tiếp cận được nhiều lựa chọn về xét nghiệm và cải thiện năng lực chung của quốc gia về phát hiện các trường hợp có HIV. Việt Nam cũng đã hỗ trợ các tổ chức do cộng đồng lãnh đạo phát triển thành các doanh nghiệp xã hội và phòng khám tư nhân, cung cấp các dịch vụ HIV chất lượng và đáp ứng theo yêu cầu cho các quần thể đích thường “ẩn giấu”, những người có thể không sẵn sàng hoặc không thể tìm kiếm dịch vụ ở nơi khác… Những hoạt động này đảm bảo rằng tất cả các cá nhân trong cộng đồng đều được tiếp cận với các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV mang lại cơ hội sống cho họ. Chính phủ Hoa Kỳ, thông qua PEPFAR, cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, với các quần thể dễ bị tổn thương và các cộng đồng bị ảnh hưởng, và với tất cả các đối tác để hướng tới mục tiêu chung là chấm dứt dịch HIV ở Việt Nam.

Hơn 2000 người đã tham dự Lễ mít tinh và diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS

Thay mặt chính phủ, ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Phó thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã cám ơn các cấp các ngành, các tổ chức xã hội đặc biệt là các cơ quan truyền thông và người dân đã hưởng ứng các hoạt động phòng và chống HIV với một sự nỗ lực kiên trì qua nhiều năm; cám ơn sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, chương trình phòng chống HIV của Liên Hiệp quốc, của Tổ chức Y tế Thế giới cùng với rất nhiều tổ chức khác… đã dành những phần hỗ trợ kinh phí cho chương trình phòng chống HIV ở Việt Nam trong đó phải kể đến chương trình PEPFA của Chính phủ Hoa Kỳ.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang bước vào chặng đường cuối cùng để cùng với cả thế giới chấm dứt đại dịch này vào năm 2030. Chặng đường cuối cùng bao giờ cũng khó hơn. Vì vậy, tất cả chúng ta cần ý thức rằng, nếu không tiếp tục nỗ lực phòng ngừa thì dịch bệnh này sẵn sàng quay trở lại. Cho đến ngày hôm nay chưa có loại thuốc nào có thể chữa trị được hoàn toàn căn bệnh, nhưng việc điều trị giúp người bệnh có thể tiếp tục cuộc sống và không làm lây nhiễm sang người khác. Người bệnh có thể lấy vợ, lấy chồng, sinh con, nếu được điều trị đúng. Để làm được việc này, chúng ta cần sự chung tay của tất cả các cấp chính quyền và cộng đồng; cần có một hệ thống tài chính ổn định và một kế hoạch rất cụ thể. Trong năm 2020, chúng ta phải đạt được chỉ tiêu 90% số người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV…

“Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS” là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019, nhấn mạnh đến việc kiểm soát dịch HIV không chỉ bằng các giải pháp y tế mà cần có sự tham gia của tất cả các cấp, các ban ngành đoàn thể và cả cộng đồng, của toàn xã hội. Đặc biệt là vai trò của cộng đồng. Đó là, sự tham gia của các tổ chức xã hội, của các mạng lưới, cộng đồng người dễ bị tổn thương bởi HIV như người nghiện ma túy, người quan hệ tình dục đồng giới, người nhiễm HIV và bạn tình của họ... Họ không chỉ là đối tượng của chương trình mà sự tham gia chủ động của họ góp phần quan trọng vào thành công của chương trình phòng, chống HIV/AIDS...

 


Thu Hương
Ý kiến của bạn