Trước hiện tượng cá tự nhiên và cá nuôi lồng chết hàng loạt tại khu vực ven biển xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã giao Tổng cục Môi trường khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa xác định nguyên nhân cá chết, đồng thời mời các chuyên gia, nhà khoa học phối hợp tham gia lấy mẫu và phân tích mẫu nước biển, bùn thải ven bờ khu vực cảng Nghi Sơn đổ ra biển có liên quan tới sự cố cá chết hay không, báo cáo về Bộ trước ngày 20/9/2016. Đến nay đã có kết quả xác định ban đầu.
Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, ông Lê Văn Sơn - Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết: Chi cục mới nhận được kết quả xét nghiệm về mẫu nước, mẫu cá chết ở khu vực biển Nghi Sơn và xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia do Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy cá chết ở đây không liên quan đến dịch bệnh. Tuy nhiên, chỉ tiêu amoniac (NH3) và chỉ tiêu COD (lượng ôxy cần để ôxy hóa hết các chất vô cơ, hữu cơ có trong nước biển) vượt chỉ tiêu cho phép.
Thủy triều đỏ không phải là nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt ở biển Nghi Sơn và Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
Theo kết quả xét nghiệm mẫu nước tại vùng biển Tĩnh Hải (khu vực phát hiện cá tự nhiên chết) thì 7 mẫu nước có COD đo được đều vượt ngưỡng cho phép trong nuôi trồng thủy sản từ 2,45-5,29 lần; đặc biệt mẫu nước biển tại xã đảo Nghi Sơn có 2 mẫu có COD vượt ngưỡng cho phép từ 3,05-4,49 lần và chỉ tiêu amoniac (NH3) vượt ngưỡng cho phép trong nuôi trồng thủy sản từ 10,8-32,8 lần. Các chỉ tiêu khác như cyanua, sulfua đều nằm trong ngưỡng cho phép. Mẫu cá tự nhiên và cá lồng ở hai khu vực kể trên đều âm tính với virut gây bệnh hoại tử thần kinh ở cá biển; đếm vi khuẩn tổng số gây bệnh trên cá thì số lượng đều trong chỉ tiêu cho phép của nuôi trồng thủy sản.
Trước đó, trong ngày 5-6/9, ngư dân xã Tĩnh Hải khi đánh bắt hải sản tại vùng biển gần bờ (gần khu vực dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn) đã phát hiện một số loài hải sản như cá bơn, cá thèn, ghẹ… chết bất thường và trôi dạt vào bờ biển.
Đến ngày 8/9, tại khu vực nuôi cá lồng của ngư dân xã đảo Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia) cũng xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng quẫy nước mạnh và bị chết rất nhanh với số lượng lớn.
Theo thống kê của UBND xã Nghi Sơn, đã có gần 50 tấn cá lồng đặc sản như cá mú, cá hồng, cá vược bị chết… Cùng ngày, tại khu vực bờ biển thôn Bắc Yến (xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia), người dân lại phát hiện tình trạng cá tự nhiên bị chết trôi dạt vào bờ, chủ yếu là cá bơn, cá thèn, ghẹ. Theo số liệu báo cáo, thiệt hại của các ngư dân khoảng 10 tỉ đồng.
Trước đó, ngay sau khi sự việc cá chết bất thường xảy ra, trên cơ sở kết quả phân tích của Sở TN-MT, UBND tỉnh Thanh Hóa kết luận: “Bước đầu có thể xác định nguyên nhân gây nên tình trạng cá tự nhiên và cá nuôi lồng bị chết là do tác động của loài tảo Hairoi - Creratium furca trong nước biển bùng phát với mật độ cao, ở quy mô rộng hay còn gọi là tảo nở hoa”.
Tuy nhiên, sau khi báo cáo này được công bố, một số chuyên gia trong lĩnh vực quản lý môi trường đều cho rằng, việc UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra kết luận nguyên nhân cá chết do “tảo nở hoa” là quá vội vàng. Trước sự hoài nghi của dư luận và các nhà khoa học, hai đoàn công tác hoạt động độc lập là Viện Nghiên cứu Hải sản thuộc Bộ NN&PTNT và Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Bộ TN&MT đã đến Thanh Hóa lấy mẫu nước biển để tìm nguyên nhân. Đến chiều 15/9, hiện tượng này không chỉ xảy ra ở đoạn sông chảy qua xã Điện Hòa (gồm thôn Đông Hồ, La Thọ 1, La Thọ 3) mà còn rải rác ở các xã Điện Thọ, Điện Thắng, Điện An. Cũng tại Quảng Nam, ghi nhận hiện tượng cá chết nổi trắng hồ Phước Hà cũng được các cơ quan chuyên môn khẩn trương đi tìm nguyên nhân.