Sau 15 năm thực hiện chỉ thị 24, nhiều tỉnh thành trên cả nước đạt được hiệu quả tích cực khi chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tích cực xây dựng và tham mưu ban hành các kế hoạch, quyết định quan trọng. Từ đó triển khai, phát triển nền Đông y của địa phương, phục vụ người dân trong khám, chữa bệnh.
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 2 kế hoạch, 1 quyết định; UBND tỉnh ban hành 1 chỉ thị, 1 chương trình hành động; 10 quyết định…; 27/27 huyện/thị xã/thành phố ban hành kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chỉ thị và các chương trình, kế hoạch hành động của tỉnh, nổi bật là huyện Vĩnh Lộc đã ban hành chỉ thị riêng về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác đông y và hoạt động của Hội Đông y.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, tăng cường bổ sung nhân lực, tăng cường giường bệnh cho khoa y học cổ truyền để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân. Do đó, tỷ lệ khám, chữa bệnh đông y và kết hợp đông y với y học hiện đại tại tuyến tỉnh chiếm 4,9%, tuyến huyện chiếm 24% trên tổng số khám, chữa bệnh chung tại các bệnh viện trong tỉnh.
Hệ thống y tế công lập khám, chữa bệnh bằng đông y: Tuyến tỉnh có Bệnh viện y dược cổ truyền tỉnh với quy mô 230 giường bệnh nội trú (thực kê 311 giường); 07/13 bệnh viện có khoa YHCT; tuyến huyện có 25/27 bệnh viện đa khoa huyện có khoa đông y (tăng 03 huyện so với năm 2008); tuyến xã có 476/559 trạm y tế xã, phường, thị trấn có vườn thuốc nam và sử dụng thuốc nam điều trị mốt số bệnh thông thường (tăng 123 xã so với năm 2008).
Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác phát triển dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu, phối hợp với Hội Đông y tỉnh chỉ đạo Hội Đông y các cấp hướng dẫn các bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh… tổ chức vườn cây thuốc nam, gắn việc trồng và sử dụng thuốc nam, chăm sóc sức khỏe cộng đồng với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Đối với tỉnh Cần Thơ, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 24, công tác chỉ đạo, tổ chức học tập quán triệt, triển khai, được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố quan tâm. Mạng lưới khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền không ngừng củng cố và mở rộng từ thành phố đến xã, phường, thị trấn. Hội Đông y có 99 tổ chức Hội trực thuộc… Giai đoạn 2008-2023, thành phố có trên 2,6 triệu lượt người dân khám chữa bệnh bằng đông y. 100% bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế có vườn thuốc nam hoặc bộ tranh cây thuốc; 4 bài thuốc gia truyền được Sở Y tế thành phố công nhận…
Theo báo cáo, tỉnh Hưng Yên trong 15 năm đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển nền đông y trên địa bàn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 22-Ctr/TU ngày 17/6/2009 về việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW. Tỉnh ủy đã triển khai Chỉ thị số 24, Chương trình hành động số 22-Ctr/TU tới các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, sở, ngành, đơn vị liên quan. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 24, Chương trình hành động số 22-Ctr/TU đến cán bộ, đảng viên, nhân viên ngành y tế, hội viên hội đông y.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1 Bệnh viện y dược cổ truyền, 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và 10 trung tâm y tế tuyến huyện có khoa y học cổ truyền. Các cấp hội đông y gồm Hội đông y tỉnh, 10 hội đông y cấp huyện, 6 chi hội trực thuộc tỉnh hội, hội đông y cấp xã. Trong 15 năm qua, trên 4,2 triệu lượt người khám, điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền tại các cơ sở y tế, trên 2 triệu lượt người khám, điều trị tại hội đông y các cấp.
Video đang được quan tâm:
Ăn Uống Thế Nào Để Tăng Cường Miễn Dịch Phòng Ngừa Dịch Bệnh Và COVID-19? | SKĐS