Kết quả giải trình tự gen các ca COVID-19 ở Hải Dương tương đồng với chủng virus đã xuất hiện tại Đà Nẵng

18-08-2020 16:13 | Tin nóng y tế

SKĐS - Tập trung truy vết, xét nghiệm và khoanh vùng thật nhanh để kiểm soát dịch bệnh COVID-19, đây là mục tiêu của Bộ Y tế đối với tỉnh Hải Dương. Về các ca nhiễm mới ở Hải Dương, kết quả giải trình tự gen cho thấy, chủng virus SARS-CoV-2 tương đồng với chủng virus đã xuất hiện tại Đà Nẵng trước đó

Sáng 18/8, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã ghi nhận 983 ca mắc, trong đó có 645 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 505 ca.

Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho hay, với ổ dịch thứ 2 mới nổi lên là Hải Dương, đến nay đã phát hiện 11 ca đều liên quan đến từ quán Thế giới bò tươi (đường Ngô Quyền, TP Hải Dương). Ca bệnh đầu tiên được phát hiện có liên quan đến bệnh nhân 867. Theo nhận định ban đầu, từ khoảng 25-27/7 có thể có một nguồn bệnh xâm nhập vào quán này, từ đó lây ra tỉnh Hải Dương.

Quán ăn Thế giới bò tươi tại Hải Dương hiện đã bị phong toả

Xác định sẽ xuất hiện một số ca nhiễm mới trong cộng đồng thời gian tới, Hải Dương tiếp tục triển khai quyết liệt biện pháp khoanh vùng, dập dịch, truy vết, xét nghiệm… với sự hỗ trợ của các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Sáng nay, Bộ Y tế yêu cầu Hải Dương cũng phải lấy mẫu cả người thuộc diện F2, không đợi khi F1 trở thành F0 (ca bệnh), F2 trở thành F1 mới làm xét nghiệm.

Hiện toàn tỉnh Hải Dương đã xét nghiệm khoảng 2.000 mẫu; truy vết 800 ca F1; mở rộng xét nghiệm ca F2; lấy mẫu của nhân viên y tế và bệnh nhân ở các bệnh viện, phòng khám và khu vực nghi ngờ…

Tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh tại Hải Dương, Bộ Y tế cử lực lượng tinh nhuệ hỗ trợ Hải Dương xét nghiệm, điều trị trên tinh thần “tập trung truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu, xét nghiệm nhanh nhất có thể”.

“Bộ Y tế đã cử các bác sĩ giỏi ở các đơn vị như Bệnh viện Bạch Mai, Nhi Trung ương, Đại học Y Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xuống Hải Dương để hỗ trợ tỉnh này trong xét nghiệm và chuẩn bị công tác điều trị, hôm nay tiếp tục có thêm các đoàn Trung ương hỗ trợ cho Hải Dương”- Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin

Về các ca nhiễm mới ở Hải Dương, kết quả giải trình tự gen cho thấy, chủng virus SARS-CoV-2 tương đồng với chủng virus đã xuất hiện tại Đà Nẵng trước đó. Hải Dương đã kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết như: Giãn cách xã hội tại thành phố Hải Dương; phong tỏa các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao; tạm dừng các hoạt động không thiết yếu… Do đó, các chuyên gia cho biết, tình hình dịch bệnh bước đầu được kiểm soát.

"Tuy nhiên tập trung truy vết thật nhanh, khoanh vùng nhanh, lấy mẫu và xét nghiệm nhanh", GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tinh thần chống dịch ở Hải Dương khi đưa ra nhận định tới đây, Hải Dương có thể có thêm các ca nhiễm.

Tại Hà Nội từ ngày 23/7 đến 17/8 đã ghi nhận 10 trường hợp mắc mới. Hầu hết các trường hợp có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ổ dịch tại Đà Nẵng, 1 trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương. Hà Nội đang khẩn trương triển khai lấy mẫu trên diện rộng. Đến nay, Bộ Y tế phối hợp với Hà Nội lấy 50.602/70.000 mẫu; đã thực hiện xét nghiệm 28.478 mẫu

Cảnh báo cả nước có thể xuất hiện thêm ổ dịch mới, rải rác trong cộng đồng, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị: “Các địa phương luôn tăng cường và nâng cao ý thức cảnh giác nhằm phát hiện kịp thời ca nhiễm mới. Phát hiện càng sớm, việc khoanh vùng, dập dịch càng thuận lợi".

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh, Bộ Y tế cử lực lượng tinh nhuệ hỗ trợ Hải Dương xét nghiệm, điều trị trên tinh thần “tập trung truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu, xét nghiệm nhanh nhất có thể”.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, trước đó, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo ở mức độ cao trong cộng đồng nhưng người dân thực hiện chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng chủ quan. Trong khi lây nhiễm trong cộng đồng đã xuất hiện, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ nhằm làm chậm và hạn chế nguồn lây.

Liên quan đến công tác xét nghiệm, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ ngày 25/7 đến 17/8, Việt Nam đã xét nghiệm Realtime RT-PCR hơn 342.000 mẫu. Đặc biệt, số lượng xét nghiệm trong các cơ sở bệnh viện đã tăng lên (từ 10% lên 40%). Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo bệnh viện tuyến trung ương thành lập phòng thí nghiệm có năng lực xét nghiệm lớn để hỗ trợ cho địa phương trong trường hợp xuất hiện dịch bệnh trên diện rộng

“Sự hỗ trợ mạnh mẽ, kịp thời trong công tác xét nghiệm của các cơ quan trung ương là bài học quan trọng trong đợt chống dịch tại Đà Nẵng; qua đó, không chỉ nâng công suất xét nghiệm mà còn hỗ trợ Đà Nẵng chủ động xét nghiệm trên diện rộng”- Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Bộ Y tế cho hay tới đây sẽ chỉ đạo tất cả các bệnh viện, đặc biệt tại các bệnh viện Trung ương sẽ lập các labo có khả năng, năng lực xét nghiệm lớn, giúp tăng cường hỗ trợ địa phương trong trường hợp địa phương phát hiện dịch. Bài học từ Đà Nẵng cho thấy, nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ, kịp thời của trung ương cho khối xét nghiệm địa phương, công suất xét nghiệm của thành phố này được nâng lên rất lớn, hoàn toàn chủ động xét nghiệm diện rất rộng.

Cũng liên quan tới xét nghiệm, khẳng định của Bộ Y tế cho thấy từ đầu dịch đến nay, Việt Nam không triển khai xét nghiệm COVID-19 theo hình thức dịch vụ. Bệnh viện nào, đơn vị nào thực hiện xét nghiệm dịch vụ là vi phạm, sẽ bị xử lý nghiêm.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị, toàn bộ người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone để phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm qua điện thoại thông minh nhanh chóng, chính xác, ít tốn kém; ứng dụng NCOVI để khai báo y tế và theo dõi sức khỏe.


PGS.TS Trần Đắc Phu- Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nm cho hay, với diễn biến dịch như hiện nay, người dân phải thực hiện sống bình thường mới và tuân thủ các quy định của ngành y tế trong phòng chống dịch. Ví dụ như cài Bulzone; Ncovid để dễ dàng và nhanh chóng phát hiện những trường hợp nghi ngờ. Đối với những trường hợp chuyên gia vào Việt Nam đang sống tại những nước có dịch cần phải có những biện pháp cần thiết để theo dõi như: đeo vòng định vị.

Liên quan đến văcxin phòng COVID-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, cho hay, một loại văcxin đã sử dụng ở nước ngoài khi vào Việt Nam thì không phải làm thí nghiệm trên động vật nhưng phải áp dụng trên người, để thử nghiệm tính an toàn, hiệu lực (tính sinh miễn dịch) của văcxin đó, thời gian phải mất từ 6 tháng – 1 năm thậm chí một vài năm.

Theo PGS Phu, kỹ thuật sản xuất văcxin phụ thuộc năng lực của các quốc gia và các nhà sản xuất. Về cơ bản, phải thực hiện trong phòng thí nghiệm, tiêm ở động vật, ra thực tiễn phải áp dụng trên người nhóm nhỏ, nhóm lớn. Việc đánh giá thử nghiệm lâm sàng trên người cũng phải qua nhiều giai đoạn. Ngoài tính an toàn, hiệu lực, phải tính xem có ứng dụng được trên thực tế hay không. Chưa kể, đối tượng người ở châu lục này có thể khác đối tượng người châu khác, chủng tộc khác.

Thái Bình
Ý kiến của bạn