Kết quả 2 tháng cao điểm xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát sỏi: Hai tháng bằng cả nửa năm

07-06-2017 17:06 | Pháp luật
google news

SKĐS - Thông tin tại Hội nghị Đánh giá kết quả 2 tháng thực hiện cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát sỏi vừa diễn ra tại Hà Nội cho biết...

Thông tin tại Hội nghị Đánh giá kết quả 2 tháng thực hiện cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát sỏi vừa diễn ra tại Hà Nội cho biết, chỉ tính riêng trong 2 tháng cao điểm xử lý vi phạm về khai thác cát sỏi trái phép đã xử lý bằng 50% tổng số vụ trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017.

Chỉ tính riêng trong 2 tháng từ 30/3 đến 30/5, công an các đơn vị địa phương trong cả nước đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.495 vụ (trong đó có 844 vụ khai thác cát trái phép, 651 vụ vi phạm về kinh doanh, bến bãi, vận tải) làm rõ và xử lý 690 đối tượng, xử phạt 10,7 tỷ đồng.Lực lượng chức năng kiểm tra một vụ khai thác cát trái phép.

Lực lượng chức năng kiểm tra một vụ khai thác cát trái phép.

Chỉ đơn cử một số vụ việc gần đây cho thấy mức độ vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực khai thác cát sỏi trái phép. Sáng 2/5, Công an huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) cho biết vừa bắt giữ 8 phương tiện lợi dụng ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 để khai thác cát trái phép trên sông Mã thuộc địa phận giáp ranh các xã Vĩnh Khang, Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Lộc) và xã Yên Thái (huyện Yên Định). Qua kiểm tra, cả 8 tàu cát nói trên đều không có đăng ký, đăng kiểm, không có bằng máy trưởng, người điều khiển không có chứng chỉ theo quy định. Theo lời khai ban đầu của các chủ tàu cho rằng, các lực lượng chức năng không làm nhiệm vụ dịp nghỉ lễ, nên đã tranh thủ hút cát để bán cho một số chủ bãi cát. Gần đây nhất, Phòng Cảnh sát môi trường (PC49), Công an TP Hà Nội đã kiểm tra 5 tàu hút cát có trọng tải lớn đang hoạt động trên sông Hồng. Hầu hết các tàu hút cát này đều không xuất trình được đầy đủ giấy tờ hợp pháp liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản. Phòng PC49 đã phối hợp với Trung tâm Biên giới và Địa giới thuộc Cục Đo đạc Bản đồ Việt Nam, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ tiến hành đo đạc, xác định vị trí khai thác của 5 tàu hút cát trên đều hoạt động trái phép trên lòng sông. Phòng PC49 đã tiến hành lập hồ sơ ban đầu và bàn giao hồ sơ, đối tượng, tang vật gồm 553m3 cát đã khai thác và 5 phương tiện vi phạm cho Công an huyện Phúc Thọ thụ lý để điều tra làm rõ...

Những con số thống kê và việc xử lý các vụ vi phạm cụ thể bước đầu đang cho thấy sự hiệu quả trong công tác thực hiện Quyết định 69 của Bộ Công an tại các địa phương, đặc biệt là tại một số địa bàn trọng điểm như Hà Nội, Phú Thọ, Đồng Tháp,... Tuy nhiên thực tiễn quá trình xử lý vi phạm đã nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập còn tồn tại đặc biệt là sự thiếu sót các chế tài xử lý đối với loại hình vi phạm đặc thù này. Theo Đại tá Nguyễn Văn Sáu - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an hiện nay, văn bản pháp luật là chưa đồng bộ nên việc đấu tranh với loại tội phạm này là rất khó khăn. Theo Nghị định số 33 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản thì chỉ có hành vi khai thác thăm dò, khai thác khoáng sản được quy định chế tài xử lý các vi phạm còn các hành vi kinh

doanh vận chuyển, tàng trữ khoáng sản thì không có quy định trong nghị định này, nên khi bắt giữ rất khó xử lý, chỉ có hành vi bắt quả tang bơm hút cát thì mới bị xử lý. Còn các phương tiện đang neo đậu hay vận chuyển thì không được xử lý.

Bên cạnh đó, công an các địa phương cũng đã nêu ra một số bất cập còn tồn tại trong quá trình xử lý vi phạm như việc xác định khối lượng riêng của cát ở từng con sông là khác nhau, dẫn đến việc phải truy xuất được nguồn gốc cát thì mới có thể xử phạt. Cùng với đó là việc xác định chỉ giới cho phép khai thác ở các mỏ là vô cùng khó khăn, chỉ có thể ước chừng chứ không xác định được vị trí cụ thể. Đặc biệt, hiện ở nước ta có 707 giấy phép khai thác cát được UBND các tỉnh thành cấp phép, đó là chưa kể các mỏ nhỏ do UBND cấp huyện cấp phép, đây được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những hệ lụy xấu cho môi trường tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.


Mạnh Hùng
Ý kiến của bạn