Hà Nội

Kết nối và chuyển đổi số vì sức khỏe người dân

21-01-2021 08:58 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Những diễn biến phức tạp, bất thường của đại dịch COVID-19 trong năm 2020 đã mang đến nhiều thách thức và cơ hội trong hoạt động chăm sóc sức khỏe của người dân. Đây cũng là một trong những áp lực được chuyển hóa thành động lực, để ngành y tế bước sang một trang mới với nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong thời đại công nghiệp 4.0.

Ngày 25/9/2020, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa (telehealth) với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ Y tế và hơn 5.000 y, bác sĩ tại các điểm cầu trên cả nước, điểm cầu tại các quốc gia láng giềng Lào, Campuchia.

Từng bước xóa bỏ khoảng cách địa lý

Việc đưa vào hoạt động hơn 1.000 điểm telehealth đã mang đến nhiều bước tiến quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Mở rộng hoạt động khám chữa bệnh từ xa có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới của ngành y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh toàn tuyến, hướng tới sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế. Người dân ở bất cứ đâu trong nước đều có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất của tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở; hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn, điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh.

Không chỉ vậy, telehealth còn giúp ngành y tế có sự kết nối và phát triển đồng bộ, giúp xóa nhòa lằn ranh khoảng cách giữa các tuyến. Khi thực hiện các ca hội chẩn khám chữa bệnh từ xa, đội ngũ bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới tự tin hơn khi chữa bệnh, là cơ hội để học tập và nâng cao trình độ chuyên môn. Các y bác sĩ của bệnh viện tuyến trên cũng cần phải tiếp tục trau dồi chuyện môn, nghiệp vụ thường xuyên để chăm sóc, điều trị tốt hơn cho người bệnh.

Kết nối và chuyển đổi số

Kết nối để minh bạch, công khai

Tiếp nối những thành công và tiện ích từ hoạt động telehealth với hơn 1.000 điểm kết nối trong 45 ngày và định hướng 10.000 điểm kết nối trong tương lai. Tháng 11/2020, Bộ Y tế tiếp tục đưa vào hoạt động Cổng công khai y tế. Cổng công khai Y tế là kênh chính thống của Bộ Y tế để người dân và doanh nghiệp tra cứu các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo…Thông qua Cổng công khai y tế, người dân thực hiện quyền được biết và giám sát các dịch vụ do ngành y tế cung cấp.

Với dữ liệu lớn trong 5 lĩnh vực: Dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh, hành chính công, Bộ Y tế đặt ra bài toán cần xử lý, số hóa, tích hợp một cách khoa học với mục tiêu minh bạch hóa toàn bộ thông tin về biểu giá. Công khai quá trình quản lý cấp phép, đấu thầu, mua sắm; công khai giá thuốc, trang thiết bị, giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Giúp người dân cập nhật chính sách, tra cứu và phản ánh bất cập; giúp doanh nghiệp dễ dàng định giá sản phẩm; giúp cơ sở y tế thuận lợi trong quá trình mua sắm, đấu thầu…

Trên hệ thống Cổng công khai y tế mọi giá dịch vụ y tế đều được công khai, với khoảng 1.500 bệnh viện đã cập nhật thông tin về giá dịch vụ y tế, hơn 62.000 thông tin thuốc được kê khai cùng nhiều thông tin về dịch vụ, trang thiết bị y tế khác. Cổng công khai y tế không chỉ cung cấp thông tin về dịch vụ y tế mà còn trao cho người dân quyền lựa chọn cơ sở y tế chất lượng cao, góp phần đảm bảo sự hài lòng cho người bệnh khi khám, chữa bệnh tại bệnh viện.

“Mạng kết nối y tế Việt Nam”

Để tận dụng tối ưu các thành tựu về công nghệ thông tin trong việc kết nối, chia sẻ thông tin, vừa qua “Mạng kết nối y tế Việt Nam” đã được triển khai kết nối với 3 mục tiêu chính: Triển khai ứng dụng mạng kết nối y tế Việt Nam đến 100% cán bộ, thầy thuốc nhân viên y tế đang làm việc tại các đơn vị y tế công lập và y tế tư nhân thông qua nền tảng web-base và các ứng dụng được cài đặt trên thiết bị di động, thiết bị thông minh và máy tính có kết nối mạng Internet. Thông qua nền tảng kết nối y tế Việt Nam, các thông tin trong ngành y tế sẽ được truyền đạt, trao đổi và chia sẻ nhanh chóng, chính xác. Đồng thời cũng giúp tăng cường đào tạo trực tuyến từ tuyến trên cho tuyến dưới, giúp nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, thầy thuốc và nhân viên y tế tuyến dưới.

Nền tảng và động lực của chuyển đổi số

Theo thông tin chia sẻ từ GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế, chuyển đổi số y tế là nền tảng và động lực để y tế Việt Nam hướng tới một nền y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Thực hiện chuyển đổi số y tế, chúng ta phải hoàn thành việc triển khai hệ thống thông tin y tế quốc gia thông qua nền tảng số. Thông tin y tế được thu thập đầy đủ, chất lượng, kịp thời. Được chia sẻ theo phân quyền, bảo mật, phù hợp cho tất cả cả cơ sở y tế, cơ quan, doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý. Thông tin y tế sử dụng hiệu quả trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân, công tác quản lý theo dõi dịch bệnh và ra quyết định chính sách của ngành y tế. Phải thực hiện được hầu hết các dịch vụ y tế được cung cấp chủ yếu trên nền tảng số, đảm bảo hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời.

Người dân được theo dõi, xét nghiệm, tư vấn chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh kịp thời, mọi lúc, mọi nơi. Mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe cá nhân, kết nối với tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc. Mỗi người dân có thể tự quản lý, kiểm soát và thông báo thông tin sức khỏe của mình thông qua hồ sơ sức khỏe cá nhân. Giám sát dịch bệnh nhanh chóng và tự động dự báo ổ dịch.

Với dữ liệu lớn trong 5 lĩnh vực: Dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh, hành chính công, Bộ Y tế đặt ra bài toán cần xử lý, số hóa, tích hợp một cách khoa học với mục tiêu minh bạch hóa toàn bộ thông tin về biểu giá. Công khai quá trình quản lý cấp phép, đấu thầu, mua sắm; công khai giá thuốc, trang thiết bị, giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Giúp người dân cập nhật chính sách, tra cứu và phản ánh bất cập; giúp doanh nghiệp dễ dàng định giá sản phẩm; giúp cơ sở y tế thuận lợi trong quá trình mua sắm, đấu thầu…


Tuấn Dũng
Ý kiến của bạn