Kết luận về nghi vấn tiêu cực trong đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế tại Sở Y tế Đắk Lắk

09-06-2016 10:25 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngay sau khi có những thông tin cho rằng Sở Y tế Đắk Lắk có sai phạm trong đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế, ngày 30/10/2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định thành lập đoàn thanh tra toàn diện vụ việc.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có kết luận về những nghi vấn tiêu cực trong công tác đấu thầu thuốc và mua sắm trang trang thiết bị y tế tại Sở Y tế Đắk Lắk.

Thông tin từ kết luận này cho biết, ngay sau khi có những thông tin cho rằng Sở Y tế Đắk Lắk có sai phạm trong đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế, ngày 30/10/2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định thành lập đoàn thanh tra toàn diện vụ việc.

Về công tác đấu thầu thuốc

Từ năm 2011-2015, Sở Y tế Đắk Lắk đã tiến hành 3 đợt đấu thầu thuốc gồm năm 2011- 2012 năm 2012- 2013 và năm 2014-2015.

Trên cơ sở lựa chọn nhà thầu trung thầu thuốc, Sở Y tế ký kết hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị trúng thầu (trong đó có một số nội dung cơ bản như: Đơn giá thuốc trúng thầu, số lượng thuốc trúng thầu và các điều kiện về cung ứng).

Theo kết luận thanh tra này, trong giai đoạn 2011-2012: Không thanh tra lại nội dung đã được Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện

Báo cáo cho biết, trong giại đoạn này công tác đấu thầu thuốc tại Sở Y tế Đắk Lắk đã được Thanh tra Bộ Tài chính thanh tra theo quyết định số 491/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, nên đoàn thanh tra của tỉnh Đắk Lắk  không thanh tra lại.

Liên quan đến nội dung này, báo cáo kết luận thanh tra cho biết, quy trình đấu thầu thuốc tập trung tại Sở Y tế Đắk Lắk  được tổ chức theo đúng quy định. Sauk hi so sánh giá các loại thuốc trong 13 gói thầu năm 2011-2012 của Sở Y tế với giá thuốc nhập khẩu kê khai và kê khai lại đến ngày 13/1/2013 trên trang web của Cục Quản lý Dược tại thời điểm thanh tra có 12 loại thuốc có giá trúng thầu cao hơn giá bán buôn kê khai với Cục Quản lý dược với số tiền 514.688.550 đồng. Do đó, ngày 31/12/2013, Thanh tra Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu Sở Y tế  Đắk Lắk thu hồi số tiền trên.

Đến ngày 25/4/2014, Sở Y tế Đắk Lắk đã chuyển số tiền trên vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Tài chính.

Giai đoạn 2013-2014: Sở Y tế không tổ chức đấu thầu thuốc mà gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu đã đấu thầu giai đoạn 2012-2013.

Báo cáo cho biết, việc này đã được UBND tỉnh đồng ý với số tiền bổ sung kế hoạch là hơn 354 tỷ đồng.

Tuy nhiên theo đoàn thanh tra, việc không tổ chức đấu thầu là không phù hợp với quy định vì thông tư liên tịch 01/2012 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn đấu thầu mua thuốc đã có hiệu lực thi hành kể từ 1/6/2012. Trách nhiệm này thuộc về Giám đốc Sở Y tế các thời kỳ và Văn phòng UBND tỉnh trong công tác tham mưu.

Cũng do chậm đấu thầu trong giai đoạn này, đã có tổng cộng 506 mặt hàng thuốc không trùng tên đã được thanh toán với giá cao hơn giá đầu thấu thuốc thấp nhất của các tỉnh giáp ranh với tổng số tiền hơn 5,5 tỉ đồng.

Về vấn đề này, trong thời gian chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu, để tránh thiếu thuốc điều trị cho dân, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh kéo dài gói thầu 2013 và được UBND tỉnh cho phép. Mặc dù việc này là chưa phù hợp với tinh thần của luật Đấu thầu, nhưng nguyên nhân xuất phát từ sự diễn giải qui định pháp luật chưa rõ ràng dẫn đến việc 29 tỉnh, thành làm như vậy chứ không riêng gì Đắk Lắk.

Đặc biệt, về vấn đề này, căn cứ ý kiến của Văn phòng Chính phủ về chủ trương thanh toán chi phí thuốc bảo hiểm y tế tại một số địa phương thực hiện chưa đúng qui định về cung ứng thuốc và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Bộ Y tế đã có công văn về việc thanh toán thuốc chậm đấu thầu.

Do Bộ Y tế và BHXH Việt Nam chưa công bố giá thuốc trúng thầu trung bình năm 2013, đoàn thanh tra đề nghị chuyển cơ quan điều tra Công an tỉnh xem xét xử lý theo quy định.

Giai đoạn 2014-2015: Tiết kiệm được hơn 2,6 tỉ đồng nhờ thương thảo với nhà thầu giảm giá

Sở Y tế là chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu, lập kế hoạch đấu thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu các gói thầu. Kết luận thanh tra khẳng định về cơ bản, Sở Y tế đã thực hiện đúng luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc tổ chức đấu thầu mua thuốc được thực hiện công khai, minh bạch.

Kết quả, giá thuốc trúng thầu từng mặt hàng thuốc đều thấp hơn giá dự toán, giá kế hoạch và thấp hơn giá kê khai của Cục Quản lý dược.

Sau khi có kết quả trúng thầu, Sở Y tế còn thương thảo với các nhà thầu tiếp tục giảm giá các gói thầu, tiết kiệm được hơn 2,6 tỉ đồng so với giá trúng thầu.

Về liên quan đến thông tin hội đồng đầu thầu Sở Y tế Đắk Lắk đã buộc các nhà thầu phải ôm tiền mặt tới nộp trước thời điểm đóng thầu, bằng 3% tổng giá trị tham gia dự thầu, báo cáo của đoàn thanh tra kết luận: Việc đảm bảo dự thầu bằng đặt cọc tiền mặt là đúng quy định theo điều 4 luật Đấu thầu 2013.

Toàn bộ số tiền trên 29 tỉ đồng tiền mặt đảm bảo sau đó đã được Sở Y tế ký hợp đồng quản lý tiền quỹ với ngân hàng TMCP với lãi suất 8%/năm. Toàn bộ số tiền phát sinh lãi 124 triệu đồng đã được chuyển vào ngân sách nhà nước.

Dù vậy, đoàn thanh tra cho rằng quy định này chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho các nhà thầu.

Cũng theo đoàn thanh tra, trong quá trình thực hiện đấu thầu, Sở Y tế Đắk Lắk còn mắc một số thiếu sót về mặt hành chính như: Điều chỉnh các tiêu chí chấm thầu mà không có văn bản thông báo cho nhà thầu; Chưa phê duyệt hồ sơ đã thông báo mời thầu trước đó 1 tuần; Mở thầu không theo thứ tự chữ cái tên nhà thầu…

Về công tác đấu thầu trang thiết bị y tế

Đoàn thanh tra cho biết, từ 2012-2014, Sở Y tế không thực hiện việc mua sắm trang thiết bị y tế mà chỉ phân bổ kinh phí cho các đơn vị tự tổ chức mua sắm, quản lý và sử dụng.

Toàn bộ việc này đã được Thanh tra tỉnh thanh tra và có kết luận vào ngày 15/9/2015.

Về tình hình mua sắm trang thiết bị từ năm 2011 và 9 tháng đầu năm 2015: Sở Y tế làm chủ đầu tư 1 gói thầu cấp cho bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột quản lý, sử dụng gồm 1 máy CT Scanner và 1 tủ vô trùng, còn các đơn vị khác, Sở phân bổ kinh phí để các đơn vị tự tổ chức mua sắm.

Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra trong năm 2011 và 9 tháng năm 2015 tại 35/48 đơn vị trực thuộc Sở Y tế. Qua thanh tra cho thấy việc bố trí kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế tại Sở Y tế cho các đơn vị trực thuộc Sở đã được thực hiện công khai, trên cơ sở nhu cầu thực tế, dự trù về chủng loại.

Tuy nhiên, cũng tại kết luận thanh tra này đã chỉ rõ, việc mua  sắm trang thiết bị bằng hình thức chỉ định thầu cho thấy: Một số trường hợp báo giá chỉ có dấu treo của doanh nghiệp mà không có chữ ký của chủ doanh nghiệp, người bán hàng. Một số hợp đồng mua bán hàng hóa không ghĩ rõ quy cách, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; Tại một số đơn vị còn có sai sót như xuất xứ hàng hoá trong hợp đồng khác xuất xứ hàng nhận, hàng không có năm sản xuất, không rõ model; Có thiết bị chưa đi vào sử dụng, một số mới mua nhưng đã hỏng phải thanh lý... Trình tự mua sắm một số gói trang thiết bị của một số đơn vị còn quá chậm trễ…

Theo đoàn thanh tra, trách nhiệm về những khuyết điểm trên tại một số đơn vị thuộc về giám đốc và kế toán trưởng của những đơn vị đó.


Thái Bình
Ý kiến của bạn