Các bệnh lý như mụn trứng cá, thủy đậu, sởi… có thể gây tình trạng nhiễm khuẩn nặng làm da bị tổn thương, đặc biệt nếu điều trị sai (nặn, bóp mụn…) sẽ làm cho quá trình liền vết thương bị ức chế, suy giảm, thiếu hụt các tổ chức làm đầy như collagen, acid hyaluronic, chất nền tảng… mà hậu quả là các sẹo lõm, sẹo rỗ và thâm kéo dài. Các hình thức sẹo này rất đa dạng, có thể là sẹo lõm hình trụ, hình thang, hình lòng chảo hoặc kết hợp. Khi điều trị, nguyên lý chung là phải tạo nên một tổn thương mới ở nền sẹo, đáy sẹo, phá bỏ tổ chức xơ, sau đó sử dụng các sản phẩm có tính chất kích thích, làm đầy tổ chức trung bì, kết hợp với việc kích thích biểu mô hóa của các tế bào biểu mô bề mặt ở bờ mép sẹo lan vào nhằm lấp đầy sẹo lõm. Sử dụng kim lăn điều trị sẹo lõm căn cứ vào tính chất da và sẹo của mỗi người để lựa chọn độ dài của kim sao cho kim dùng không ngắn, không dài. Khi lăn cần dứt khoát, đủ lực, các đường lăn phải chồng mép lên nhau, lăn đúng hướng và không lăn đi lăn lại kiểu lăn sơn. Sau khi lăn kim, người bệnh được sử dụng sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc (tách và nuôi cấy từ màng dây rốn trẻ sơ sinh). Những trường hợp sẹo lõm điều trị trước 12 tháng và lăn kim 6 lần trở lên có kết quả rất khả quan. Nhược điểm chính của phương pháp này là đỏ mặt kéo dài trên 6 giờ và mẩn ngứa nhẹ do tính mẫn cảm của da đáp ứng trước một kích thích cơ học nhưng sẽ tự khỏi và không cần điều trị gì. Trung tâm Da liễu thẩm mỹ - Viện Bỏng quốc gia đã điều trị cho hàng trăm trường hợp bị sẹo lõm do mụn trứng cá hay các nguyên nhân khác với tỷ lệ bệnh nhân hài lòng sau điều trị lên đến hơn 90%.
Lê Hoàng Khánh