Báo cáo tại hội nghị TS.BS Nguyễn Thị Thái Hòa, Trưởng Khoa Nội 2, Bệnh viện K cho biết, tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam đứng thứ 90/185 trên thế giới. Ước tính 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong mỗi năm. Số bệnh nhân ung thư hiện có (ước tính) là 353.826 bệnh nhân (Theo Globocan 2020).
Các bệnh ung thư thường gặp như: Ung thư gan, ung thư phổi, vú, dạ dày và ung thư đại trực tràng… Hiện đã có nhiều tiến bộ trong sàng lọc, chẩn đoán sớm, điều trị phẫu thuật, tia xạ và điều trị toàn thân bệnh ung thư… đã giúp nâng cao kết quả điều trị cũng như nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
TS.BS Nguyễn Thị Thái Hòa, Trưởng Khoa Nội 2, Bệnh viện K cập nhật các tiến bộ mới trong điều trị ung thư.
Tuy nhiên, bên cạnh các phương pháp của y học hiện đại, các phương pháp điều trị của Đông y cũng góp phần quan trọng trong hỗ trợ điều trị và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư.
TTND.PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết: Cả Tây y và Đông y đều có những ưu thế riêng. Việc kết hợp hai phương pháp này sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho người bệnh, không chỉ tạo ra một hệ thống chăm sóc toàn diện mà còn mở ra cơ hội mới để nghiên cứu và phát triển. Theo đó, có thể tận dụng những kiến thức và kỹ thuật từ hai phương pháp để giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn và chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân.
TTND.PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam
ThS.BSCKII. Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Nội Ung bướu (Hỗ trợ, điều trị), Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết, tại khoa đã áp dụng phương pháp điều trị kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Kết hợp y học hiện đại khi phương pháp của y học cổ truyền không đủ khả năng kiểm soát các triệu chứng bệnh và tình trạng suy mòn của người bệnh. Mục đích giảm thiểu các tác dụng phụ do hóa trị, xạ trị; giúp bệnh nhân sống khỏe, ngừa tái phát, người bệnh được chăm sóc giảm nhẹ và cải thiện chất lượng cuộc sống. Theo đó, luôn nhất quán sử dụng ‘Liệu pháp 4T’, đó là:
-T1: Tinh thần - tâm lý giúp giảm căng thẳng lo lắng, sợ hãi, stress… cho người bệnh.
-T2: Thực phẩm (chế độ ăn uống) sẽ khuyến cáo bệnh nhân ăn những thực phẩm lành mạnh, dinh dưỡng cân bằng và tránh các thực phẩm có hại cho sức khỏe.
- T3: Tập luyện thường xuyên giúp khí huyết lưu thông, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật…
- T4: Thuốc và các phương pháp không dùng thuốc, sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền có tác dụng bổ khí huyết, hành khí hoạt huyết, thanh nhiệt giải độc để nâng cao thể trạng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giảm các tác dụng phụ do các phương pháp của y học hiện đại gây ra như mệt mỏi, nóng trong người, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, tê chân tay, giảm hồng cầu, khô họng (sau xạ trị).
Vật lý trị liệu, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt… giúp nâng cao sức khỏe, giảm đau, cải thiện các triệu chứng bệnh. Các phương pháp này giúp lưu thông khí huyết, thư giãn cơ bắp, cải thiện tâm trạng và nâng cao thể trạng cho bệnh nhân.
Hội thảo đã cập nhật các kiến thức mới trong sinh lý bệnh cũng như chẩn đoán và điều trị ung thư của y học hiện đại. Các báo cáo kinh nghiệm trong hỗ trợ điều trị, chăm sóc bệnh nhân như: Hiệu quả của y học cổ truyền trong điều trị viêm trực tràng chảy máu sau xạ trị ung thư cổ tử cung; Chăm sóc hỗ trợ điều trị bệnh lý ung thư bằng Đông y; Báo cáo kết quả nghiên cứu tác dụng tăng cường miễn dịch và sàng lọc tác dụng chống ung thư của các sản phẩm thảo dược; Ngăn ngừa khối u tái phát và hỗ trợ kéo dài tuổi thọ cho người bệnh ung thư…
Đây là cơ hội để các thày thuốc Đông và Tây y cùng nhau chia sẻ những nghiên cứu mới, trao đổi kinh nghiệm và học thuật… Với sự đóng góp của các nhà khoa học, các thày thuốc đông và tây y có thể tìm ra những phát hiện quan trọng, giải pháp tiên tiến để giảm nhẹ bệnh tật và mang lại hy vọng cho bệnh nhân ung thư…
Mời độc giả xem thêm video:
Những Người Có Nguy Cơ Cao Mắc Ung Thư Khoang Miệng | SKĐS