Các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.M (60 tuổi) tiền sử sỏi mật nhiều năm, vào viện vì đau nhiều vùng hạ sườn phải nhiều, vàng da và niêm mạc.
Bệnh nhân được khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán là “Tắc mật cấp do sỏi kẹt ống mật chủ/ sỏi túi mật”. Trên kết quả chụp cộng hưởng từ MRI là hình ảnh sỏi kẹt ống mật chủ kích thước 6 mm, sỏi túi mật kích thước 45 mm.
Sau khi hội chẩn khoa, các bác sĩ quyết định nội soi chụp mật tụy ngược dòng (ERCP) lần 1 để lấy viên sỏi ống mật chủ, sau đó tiến hành phẫu thuật nội soi cắt túi mật.
Bệnh nhân đã được chỉ định làm kỹ thuật ERCP lấy sỏi ống mật chủ, nhưng thất bại do sỏi kẹt cứng tại vị trí ống mật chủ gây viêm phù nề chít hẹp toàn bộ, từ đó không đưa được ống soi lên ống mật chủ.
Hình ảnh sỏi kẹt ống mật chủ và sỏi túi mật dưới DSA.
Sau can thiệp ERCP tình trạng tắc mật diễn biến nặng thêm Bilirubin tăng vọt trên 100 micomol/l, men gan trên 1000 U/L.
Hội chẩn khoa được triển khai ngay giải quyết ca bệnh, các bác sĩ quyết định tiến hành giải quyết viên sỏi ống mật chủ trước bằng phương pháp tán sỏi đường mật qua da dưới chụp mạch máu xóa nền DSA, sau đó tiến hành phẫu thuật nội soi cắt túi mật để đảm bảo an toàn nhất.
Kíp phẫu thuật do ThS.BS Nguyễn Thái Bình – BV Đại Học Y Hà Nội, BS. Lương Thành Đạt - Khoa Ngoại Tổng hợp và BS. Nguyễn Hải Sơn - Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK Nông Nghiệp đã tiến hành tán sỏi ống mật chủ qua da dưới DSA. Sau 30 phút thực hiện kỹ thuật viên sỏi ống mật chủ đã được tán vụn, kiểm tra lưu thông mật ruột tốt.
Sau làm kỹ thuật trên 2 ngày, kíp phẫu thuật BSCKII. Nguyễn Sinh Cung – BS. Lê Tuấn Anh tiến hành phẫu thuật nội soi cắt túi mật. Hiện tại sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân đã được chụp kiểm tra lại thấy không còn sỏi đường mật và được xuất viện.
Phẫu thuật nội soi cắt túi mật và hình ảnh Amplatz xuyên gan trong kỹ thuật tán sỏi đường mật qua da dưới DSA.
Theo BSCKII. Nguyễn Sinh Cung - Phẫu thuật viên mổ cắt túi mật, với bệnh nhân N.T.M thì các bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật nội soi cắt túi mật ngay sau khi tán sỏi xong, chỉ cần gây mê 1 lần, và hoàn toàn đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Tuy nhiên do tâm lý gia đình bệnh nhân còn lo lắng nên muốn cho bệnh nhân nghỉ ngơi 1 vài ngày nên chúng tôi mới cắt túi mật sau 2 ngày.
“Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao chúng tôi lại tiến hành tán sỏi đường mật mà lại không tán luôn sỏi túi mật lại phải mổ cắt túi mật. Thực tế thì chúng tôi vẫn tán sỏi túi mật, nhưng do tỉ lệ tái phát cao và chức năng chủ yếu của túi mật là chứa đựng dịch mật do gan sản xuất, khi cắt đi gần như không ảnh hưởng gì tới sức khỏe bệnh nhân, nên giữa tán sỏi túi mật và cắt túi mật thì chúng tôi ưu tiên cắt túi mật qua phẫu thuật nội soi.
Tuy nhiên, khi cắt túi mật thì điều kiện quan trọng là đường mật ở dưới phải thông tốt, vì vậy chúng tôi phải loại bỏ viên sỏi ống mật chủ trước” – BS. Cung lý giải thêm.
BS. Lương Thành Đạt cho biết: Đây là bệnh nhân rất đặc biệt, bệnh nhân vào với tình trạng đau rất nhiều vùng hạ sườn phải do sỏi làm kẹt tắc ống mật chủ, qua kết quả cộng hưởng từ thì thấy viên sỏi của bệnh nhân không lớn (6 mm), nên bệnh nhân được chỉ định kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi, tuy nhiên do viên sỏi kẹt ngay tại vùng cơ oddi (vị trí ống mật chủ đổ vào tá tràng) gây viêm phù nề chít hẹp nên dụng cụ soi không thể lên được ống mật chủ để lấy sỏi.
Tình huống đặt ra vô cùng khó khăn và nguy hiểm cho bệnh nhân do bắt buộc phải lấy được viên sỏi vì vậy phương pháp tán sỏi mật qua da dưới DSA đã giải quyết được vấn đề này. Khi thực hiện kỹ thuật tán sỏi qua da thì quá trình tiến hành rất thuận lợi và kết thúc nhanh chóng, ảnh hưởng rất ít đến sức khỏe bệnh nhân.
Theo BS CKII. Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, trong điều trị sỏi mật, mổ mở lấy sỏi đường mật trong và ngoài gan được coi là biện pháp “kinh điển”. Bệnh nhân phải trải qua cuộc đại phẫu nặng nề với nhiều biến chứng, thời gian hồi phục chậm, tỉ lệ sót sỏi rất cao.
Song, tán sỏi đường mật qua da được đánh giá là phương pháp điều trị can thiệp ít xâm lấn tiên tiến, hiệu quả ưu việt nhất, đặc biệt thích hợp với các bệnh nhân già yếu, có bệnh lý toàn thân phối hợp hoặc bệnh nhân đã có tiền sử phẫu thuật đường mật nhiều lần (gây dính, khó khăn khi mổ lại).
Cụ thể trong trường hợp bệnh nhân N.T.M, do quá trình tán sỏi, sự tổn thương tổ chức là tối thiểu, nên sau khi tán xong bệnh nhân hoàn toàn ổn định và đảm bảo sức khỏe cho cuộc mổ cắt túi mật ngay sau đó. Có thể nói, với sự làm chủ các công nghệ kỹ thuật cao và hiện đại đã giúp cho việc điều trị bệnh sỏi mật đạt kết quả cao nhất.