Hà Nội

Kết bó hoa bằng tiền tặng 20/10 có thể bị phạt 15 triệu đồng

17-10-2023 14:05 | Pháp luật
google news

SKĐS - Theo luật sư, trong quá trình làm hoa bằng tiền mà phải cắt, xé, đâm, chọc,… dẫn đến việc tiền Việt Nam bị hủy hoại thì đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật.

Diễm Hằng (21 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Mình thấy nhiều năm trở lại đây hình thức quà tặng là hoa tiền đang là hot trend và được các chị em ưa thích trong các dịp lễ. Mình thật sự không mấy ủng hộ hình thức quà tặng như vậy. Khi gỡ ra thì tiền lại dễ bị rách, còn mất thời gian để ngồi bóc băng dính vào tiền ra nữa".

Chị Thanh Mai một người chuyên làm hoa được két bằng tiền thật cho biết, bó hoa bằng tiền thường được làm khi có người đặt và tùy nhu cầu của khách mà chị sẽ đổi tiền mới để kết hoa và khách phải đặt cọc trước. Giá bó hoa bao gồm số tiền trên đó cùng các chi phí khác (công, ship, các phụ kiện trang trí...).

Kết bó hoa bằng tiền tặng 20/10, có thể bị phạt 15 triệu đồng - Ảnh 1.

Những bó hoa được kết bằng tiền thật với nhiều mệnh giá khác nhau. Ảnh: NVCC

"Thời gian đầu, những bó hoa tiền này được kết với những tờ tiền mệnh giá nhỏ, xen lẫn vào đó là hoa tươi. Nhưng càng về sau, bó hoa đã được tạo bởi những tờ tiền mệnh giá cao, thậm chí một số khách còn đặt làm cả bó hoa bằng tiền nước ngoài.

Nếu muốn các tờ tiền dính tốt hơn, để lâu hơn phải sử dụng keo dính có độ bền chặt nhưng khi gỡ ra thì tiền cũng dễ bị rách", chị Mai nói.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, việc tặng hoa làm từ các tờ tiền với nhiều mệnh giá khác nhau trong các ngày lễ, sinh nhật,… đang trở nên 'hot'. Nhiều người cho rằng, việc làm hoa từ tiền thật vừa đẹp lại vừa có giá trị kinh tế, do đó tặng hoa từ tiền thật trở nên phổ biến là điều dễ hiểu.

Theo đó, các bó hoa này được làm từ các tờ tiền có mệnh giá từ nhỏ đến lớn với chất liệu bằng Polime. Những tờ tiền mới được dán băng dính vào que và cuộn tròn lại để sau đó xếp lại thành bó hoa tiền đẹp mắt.

Tuy nhiên, trong quá trình kết hoa nếu dùng vật nhọn và các chất bám dính cao như keo dán sắt sẽ dễ dẫn đến rách, biến dạng tiền và gây khó khăn trong việc lưu thông tiền tệ.

Tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg nhấn mạnh nghiêm cấm hành vi huỷ hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào. Theo đó, có thể hiểu hành vi hủy hoại tiền là các hành vi được thực hiện một cách cố ý như: Xé, cắt, đốt, vò nát, tẩy xóa tiền,...

"Như vậy, pháp luật hiện hành không có quy định cấm làm hoa bằng tiền Việt Nam, tuy nhiên nếu trong quá trình làm hoa bằng tiền mà phải cắt, xé, đâm, chọc,… dẫn đến việc tiền Việt Nam bị hủy hoại thì đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Người vi phạm còn bị phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm để giao cơ quan có thẩm quyền xử lý" luật sư Lực nhấn mạnh.

Người đàn bà 54 tuổi đi nhà nghỉ bán dâmNgười đàn bà 54 tuổi đi nhà nghỉ bán dâm

SKĐS - Kiểm tra nhà nghỉ, công an phát hiện 2 đôi nam nữ đang mua bán dâm. Trong đó, có một người phụ nữ đã 54 tuổi.



Phúc Đức
Ý kiến của bạn