Kẹp sửa van hai lá qua da không cần phẫu thuật cho bệnh nhân người Hà Lan

06-07-2015 09:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Tiếp nối ca can thiệp thành công kẹp sửa van hai lá qua da không cần phẫu thuật lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 9 năm 2014

Tiếp nối ca can thiệp thành công kẹp sửa van hai lá qua da không cần phẫu thuật lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 9 năm 2014, vừa qua Viện Tim Mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành kỹ thuật này thành công lần thứ hai cho bệnh nhân Adrea V.D 74 tuổi, người Hà Lan.

Bệnh nhân người Hà Lan tin tưởng ở tay nghề của bác sĩ Việt Nam.

Ông Adrea V.D được phát hiện bệnh tim năm 2012 với chẩn đoán: tăng huyết áp, suy tim - rung nhĩ cơn và từ đó đến nay được theo dõi điều trị nội khoa tối ưu nhưng chức năng tim vẫn giảm dần, buồng tim giãn, tiến triển nhanh gây nên hở van hai lá cơ năng mức độ nhiều và rối loạn nhịp nặng: rung nhĩ bền bỉ. Sau một thời gian hội chẩn với các chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam, Singapore và các bác sĩ của ông tại Hà Lan, cuối cùng ông đã quyết định lựa chọn phương pháp kẹp sửa van hai lá qua da “Mitraclip”, thay vì phải phẫu thuật mở lồng ngực do lo ngại phải trải qua một cuộc mổ lớn. Đáng chú ý, ông đã tin tưởng lựa chọn thực hiện can thiệp này tại Viện Tim Mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai.

Cuối tháng 6, GS.BS. Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện tim mạch đã chủ trì cuộc hội chẩn cùng các chuyên gia hàng đầu của Viện và quyết định triển khai.

PGS. TS. Phạm Mạnh Hùng, Trưởng Đơn vị can thiệp tim mạch, trưởng kíp can thiệp cho biết: “Đây là một kỹ thuật khó bởi dụng cụ “Mitraclip” được sử dụng để kẹp sửa van rất tinh xảo, được đưa vào các buồng tim bằng ống thông dưới hướng dẫn của siêu âm tim 3D qua thực quản và màn tăng sáng. Khi dụng cụ được đưa vào các buồng tim, việc quan trọng nhất là định vị chính xác vị trí cần kẹp lại để giảm tối đa dòng hở van hai lá. Cần phải có sự phối hợp tuyệt đối giữa kíp can thiệp và kíp siêu âm”.

Sau can thiệp, bệnh nhân  Adrea V. D đã ổn định và tình trạng lâm sàng tốt lên rõ rệt, dòng hở van hai lá đã giảm đi đáng kể, chỉ còn ở mức độ rất nhẹ, do đó chức năng tim của bệnh nhân đã được cải thiện.Bước tiếp theo là kiểm soát rung nhĩ, tần số tim cho bệnh nhân. Trên thế giới, đây là một kỹ thuật mới, được triển khai trong khoảng 5 năm gần đây và cũng chỉ ở các trung tâm tim mạch lớn.

Bài, ảnh: BS. Phạm Trần Linh

 

 


Ý kiến của bạn