Bán trật chỏm quay, hay còn được gọi bằng nhiều thuật ngữ khác như “khuỷu tay bị kéo” (Pulled elbow), “khuỷu tay do người trông trẻ” (babysitter’s elbow)... là một chấn thương ảnh hưởng đến khớp khuỷu, khá thường gặp ở trẻ em.
Bán trật có nghĩa là trật một phần, còn chỏm quay là phần trên cùng của xương quay (1 trong 2 xương vùng cẳng tay). Do đó, bán trật chỏm quay nghĩa là chấn thương làm cho đầu trên xương quay bị trật 1 phần ra khỏi vị trí vốn có của nó ở khuỷu tay.
Nguyên nhân gây bán trật chỏm quay
Bán trật chỏm quay hay xảy ra ở trẻ em, đặc biệt trẻ từ 1- 4 tuổi. Tại khuỷu tay có một dây chằng gọi là dây chằng vòng giúp giữ xương vùng khuỷu đúng vị trí. Dây chằng này ở trẻ em yếu hơn người lớn nhiều, và sẽ chắc khỏe hơn sau 4 tuổi. Khi tay trẻ bị kéo đột ngột, làm một phần dây chằng vòng bị trượt vào đầu trên xương quay, và kẹt vào khớp nối giữa xương quay với xương cánh tay, đồng nghĩa với chỏm quay bị bật một phần ra khỏi dây chằng vòng, gây bán trật chỏm quay. Nếu chỏm quay này bị bật hoàn toàn ra ngoài thì gọi là trật chỏm quay.
Những động tác có khả năng gây bán trật chỏm quay là những động tác làm căng duỗi đột ngột vùng khuỷu tay của trẻ như: Kéo tay trẻ đột ngột ra trước; giữ tay trẻ khi chúng đang giằng tay lại; kéo hoặc chụp tay trẻ khi trẻ ngã; xách tay hay đung đưa cánh tay trẻ...
Triệu chứng của bán trật chỏm quay
Là các triệu chứng xuất hiện sau cơ chế chấn thương như trên, trẻ có dấu hiệu: khóc do đau và sợ, nếu hỏi, trẻ sẽ chỉ đau vùng khuỷu tay, cố giữ tay đau sát người; không chịu cử động tay; không duỗi thẳng được cánh tay. Ít khi thấy sưng hay bầm tím rõ vì chỏm quay chỉ trật một phần.
Hình ảnh trật mỏm quay, nguy cơ khi chơi đùa không đúng cách với trẻ nhỏ.
Điều trị bán trật chỏm quay
Khi có các dấu hiệu trên cần đưa trẻ đến bác sĩ chấn thương chỉnh hình. Thông thường chỉ nghe kể cơ chế chấn thương, triệu chứng của trẻ và khám mà không cần thêm xét nghiệm gì là bác sĩ có kinh nghiệm sẽ chẩn đoán được. Chụp Xquang ít có giá trị chẩn đoán vì bán trật chỏm quay ít thể hiện rõ trên Xquang, nhưng có thể bác sĩ sẽ cho chụp để loại trừ các tổn thương phối hợp như gãy xương hay để phân biệt với trật hoàn toàn chỏm quay.
Trên đường đến bệnh viện, người nhà cần chú ý: Để tay trẻ ở tư thế trẻ thấy dễ chịu nhất, không di động tay trẻ khỏi tư thế đó. Có thể đặt một túi đá lạnh vào khuỷu đau, nhưng nếu trẻ không đồng ý thì không cần cũng được. Có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau.
Bác sĩ sẽ nắn để chỏm quay và dây chằng vòng về lại vị trí cũ, thông thường cũng không cần đến giảm đau hay gây tê để nắn vì thủ thuật khá nhanh. Trẻ thường dễ chịu ngay, hoặc có thể còn đau chút ít sau đó. Sau nắn 15 phút hoặc tối đa vài giờ là trẻ có thể vận động bình thường trở lại.
Sau nắn, bác sĩ có thể đặt nẹp cố định hoặc treo tay cho bé đến khi bé hết đau hoàn toàn và để ổn định dây chằng, bao khớp.
Những điều cần lưu ý khi trẻ bị bán trật chỏm quay
Trẻ đã bị bán trật chỏm quay có nguy cơ cao sẽ bị tái phát, đặc biệt vài tuần đầu sau khi bị. Do vậy, cần chú ý khi chơi đùa, chăm sóc trẻ, tránh các động tác có thể gây bán trật trở lại cho trẻ. Và một điều cần chú ý là cha mẹ khi thấy trẻ có các dấu hiệu trên sau cơ chế bị kéo giật đột ngột cần đưa ngay trẻ đến bác sĩ chấn thương chỉnh hình có kinh nghiệm để được chẩn đoán, xử trí đúng. Nhiều trường hợp trẻ đi khám, được chụp phim và kết luận chấn thương phần mềm, chỉ cho bó bột, cố định mà không nắn chỉnh... hậu quả là về sau trẻ phải phẫu thuật để đặt lại chỏm quay đúng vị trí.