1. Ưu điểm của kẹo không đường
Kẹo không đường có một số lợi thế hơn so với kẹo được làm ngọt bằng đường. Nó được làm từ rượu đường, là một chất làm ngọt được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm ít calo và thực phẩm dành cho người ăn kiêng. Rượu đường được tiêu hóa khác với đường thông thường và ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Sử dụng kẹo không đường giúp thỏa mãn cơn thèm ăn ngọt mà không làm tăng nhanh lượng đường trong máu hơn so với các loại kẹo có đường đầy đủ.
Do đó trong trường hợp phải hạn chế đường như người mắc bệnh đái tháo đường, kẹo không đường là lựa chọn tốt hơn để giữ lượng đường trong máu ổn định. Đồng thời nó cũng ít ảnh hưởng xấu hơn đến răng so với kẹo nhiều đường.
2. Nhược điểm của kẹo không đường
Mặc dù có thể giúp mang lại cảm giác an toàn hơn cho nhiều người nhưng kẹo không đường không phải không có nhược điểm, chúng ta nên biết để có ý thức ăn đúng cách. Đó là:
Gây tác dụng phụ về tiêu hóa: Đối với một số người, đặc biệt là những người mắc hội chứng ruột kích thích, rượu đường có thể gây ra tác dụng phụ khó chịu về đường tiêu hóa như đầy hơi và tiêu chảy. Do đó nên tránh dùng liều lượng lớn.
Hương vị khó chịu: Các loại kẹo như sôcôla không đường có thể có hương vị khác lạ khiến chúng ta không thoải mái và ngon miệng như khi ăn loại có chứa đường bình thường.
Vẫn chứa chất béo, calo: Không đường không có nghĩa là không có chất béo, không có carb hoặc không có calo. Đặc biệt, sôcôla không đường có thể chứa nhiều chất béo bão hòa do các thành phần như bơ ca cao.
Kích thích thèm ăn: Chất làm ngọt không chứa calo có thể kích thích sự thèm ăn, khiến bạn muốn ăn nhiều hơn, điều này có thể phản tác dụng đối với mục tiêu ăn kiêng.
3. Ăn nhiều kẹo không đường có tốt không?
Mọi thực phẩm dù có nhiều lợi ích nhưng ăn quá nhiều cũng chưa chắc đã là tốt. Không nên vì thứ gì đó không đường mà ăn nhiều hơn bình thường. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất là chế độ ăn uống đủ chất và cân bằng. Đối với người có bệnh lý cần được sự tư vấn của bác sĩ.
Mọi người có thể chọn sử dụng những chất làm ngọt này thay cho đường vì nhiều lý do như cần kiểm soát lượng đường trong máu, cân nặng và các tình trạng sức khỏe khác vì nó ít calo hơn và không ảnh hưởng nhiều đến lượng đường trong máu. Tuy nhiên không phải vì những lợi ích bề nổi của nó mà chúng ta ăn quá nhiều để thỏa mãn cơn thèm ngọt.
Thay vào đó nên sử dụng đa dạng nhiều thực phẩm tự nhiên như: ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả đều là những nguồn carbohydrate lành mạnh mà cơ thể phân hủy thành glucose để tạo năng lượng.
4. Người đái tháo đường cần lưu ý gì?
Đối với người bệnh đái tháo đường, điều quan trọng nhất là theo dõi lượng carbohydrate nạp vào (bao gồm cả đường) để kiểm soát sự ổn định của đường trong máu. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường nên hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều carbohydrate và thực phẩm chứa nhiều đường như: kẹo, bánh, nước ngọt, trái cây ngọt nhiều… vì khi ăn vào làm tăng nhanh đường huyết.
Theo TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, theo dõi cẩn thận lượng carbohydrate và đường là rất quan trọng khi kiểm soát bệnh đái tháo đường vì tác động tiềm tàng của nó đối với lượng đường trong máu.
Khi lựa chọn bất kỳ loại thực phẩm nào, người bệnh phải hiểu nó có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết của họ như thế nào. Biết cách đọc nhãn dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm có thể giúp việc này trở nên dễ dàng hơn. Nhiều thực phẩm có ghi là "không có đường" hoặc "không thêm đường". Tuy nhiên, những thực phẩm này vẫn có thể chứa calo và các loại carbohydrate khác có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Cách tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bệnh nhân đái tháo đường có nên kiêng hoa quả ngọt hay không?