Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sáng nay 29/5, nhiều đại biểu bác bỏ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu (biện pháp cứu quỹ lương hưu) vì lo con cháu sau này thất nghiệp.
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động như công nhân quốc phòng, công nhân công an, người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành HTX... cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Về vấn đề trên, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho biết, ở nhiều nước còn đấu tranh để giữ nguyên hoặc giảm tuổi nghỉ hưu. “Lấy lý do vỡ quỹ để tăng tuổi nghỉ hưu là vô lý. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do không thu được tiền bảo hiểm xã hội của hàng triệu lao động và hàng chục nghìn tỉ đồng nợ đọng. Tiền các anh không thu được thì lỗi tại ai. Để không vỡ quỹ có nhiều cách chứ không nhất thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu”, đại biểu Minh nói.
Sau khi xem dự thảo Luật BHXH, Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, quy định tăng tuổi nghỉ hưu như vậy là không công bằng đối với phụ nữ (60 tuổi). Vì nhiều lao động nữ hoạt động ở các ngành nghề công nhân may mặc, giáo viên, cán bộ miền núi… khó đủ sức khỏe để phục vụ đến 60 tuổi.
“Tôi biết nhiều cháu tốt nghiệp đại học về nhà bán nước. Do vậy, nếu áp dụng như vậy thì con cháu ra trường chắc chắn không có việc làm”, đại biểu Dân nói và đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như quy định hiện hành.
Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) với tiến độ “ăn - tiêu” như hiện nay thì khả năng vỡ quỹ BHXH được dự báo trước. Điều này tạo nên sức ép phải cân đối quỹ BHXH. Tuy nhiên, giải pháp kéo dài tuổi lao động khiến đại biểu Sinh băn khoăn.
“Hôm qua bàn đến độ tuổi của công chứng viên, rồi sau này thì luật sỹ quan quân đội… Phải chăng đang có một trào lưu kéo dài độ tuổi, trái với Bộ luật Lao động. Trước mắt không kéo dài với mọi đối tượng vì chúng ta còn có những giải pháp khác. Cần có giải pháp quyết liệt để chống không đóng BHXH”, đại biểu Sinh nói.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho biết, ông đã hỏi nhiều nhà khoa học, họ đều nói không hiểu nghiên cứu kiểu gì mà lấy năm 2034 vỡ quỹ BHXH và phải điều chỉnh như vậy. Theo ông Ánh vỡ quỹ hay không vỡ quỹ do BHXH quản lý. Hiện tình trạng nợ BHXH hiện rất nhiều, trong khi chi phí cho đội ngũ làm bảo hiểm quá lớn dẫn tới nguy cơ thâm hụt lớn.
“Không thể nói lo người về hưu như tôi hưởng nhiều mà phải điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu được. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, thiết kế lại để đảm bảo người lao động đóng đủ và không có chuyện nợ nần BHXH như bây giờ”, ông Ánh đề nghị.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, lý do dẫn đến vấn đề trên là liên tục tăng lương nhưng không kèm theo tăng năng suất lao động. Trong khi đó bộ máy hành chính thì liên tục phình to lên. Hơn nữa, hiện nay có tình trạng vừa muốn làm ít lại muốn hưởng lương nhiều, hưởng thụ sớm. Do vậy, đại biểu đề nghị phải sửa từ gốc chứ không thể sửa từ ngọn như vậy.