Tôi có người thân bị đau đầu, điều trị nhiều thuốc không khỏi. Vừa qua có biểu hiện nôn và co giật, đã vào viện được chẩn đoán kén sán não. Xin hỏi bệnh do đâu? Đường lây truyền thế nào?
Bùi Thanh Xuân (Hòa Bình)
Kén sán não là bệnh do ấu trùng sán dây lợn cư trú ở não và gây tổn thương não. Bệnh thường lưu hành ở các vùng dân cư có mức sống thấp, ăn uống không hợp vệ sinh (sử dụng một số thức ăn chưa được nấu chín như tiết canh, lòng lợn, gỏi...) trong khi nuôi lợn còn thả rông, chưa có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn (thậm chí còn đại tiện bừa bãi...). Sán dây lợn là một loại sán dây lớn, có thể dài từ 1 - 8m, gồm đầu sán và các đốt sán nối tiếp nhau, sống ký sinh trong ruột non của người và có thể tồn tại suốt cuộc đời của người. Người mắc bệnh sán dây lợn thường chỉ do một con sán. Trứng sán theo thức ăn hoặc nước uống nấu chưa chín vào dạ dày của người. Dưới tác dụng của dịch vị tại dạ dày, trứng sán được thoát ra ngoài đốt sán và nở ra ấu trùng, ấu trùng sán lợn chui qua niêm mạc dạ dày vào mạch máu và mạch bạch huyết, sau đó cư trú ở tất cả mọi cơ quan trong cơ thể như não, cơ vân, tổ chức dưới da, mắt, tim, gan... Nếu kén sán có ở não sẽ gây bệnh kén sán não. Mức độ tổn thương nặng hay nhẹ là tùy thuộc số lượng kén sán có trong não, các biểu hiện thường gặp là nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, cơn co giật (động kinh), liệt nửa người hoặc tê bì rối loạn cảm giác, khó ngủ hoặc mất ngủ, mờ mắt...
BS. Khúc Thị Nhẹn