Ở Việt Nam, Bộ Y tế có Quyết định số 4109/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 về việc ban hành hướng dẫn tạm thời "Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm COVID-19 tại nhà", và trong nhóm thuốc hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng có đề cập đến kẽm.
Vậy, kẽm có tác dụng gì trong điều trị bệnh COVID-19? Câu trả lời là: Do kẽm giúp tăng miễn dịch cơ thể, tăng sức đề kháng cơ thể, có thể giúp phòng và điều trị bệnh lý hô hấp nói chung, trong đó có bệnh COVID-19, nhất là ở người cao tuổi.
Cơ chế kẽm tăng cường miễn dịch cơ thể
Mặc dù kẽm có nhiều chức năng khác nhau trong cơ thể, nhưng giảm kẽm có thể là nhân tố chính trong sự suy giảm chức năng miễn dịch liên quan đến tuổi tác.
Kẽm cần thiết cho quá trình tổng hợp DNA và tăng sinh tế bào. Vì lý do này, các tế bào tăng sinh mạnh như các tế bào miễn dịch, phụ thuộc vào nguồn cung cấp kẽm đầy đủ. Các loại tế bào miễn dịch khác nhau như đại thực bào, bạch cầu trung tính, tế bào T và tế bào B nếu thiếu kẽm sẽ bị suy giảm.
Duy trì nồng độ kẽm có thể là chìa khóa để sống một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh hơn bằng cách tối ưu hóa chức năng của hệ thống miễn dịch của bạn. Kẽm kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp làm chậm quá trình lão hóa và giảm nguy cơ viêm phổi cũng như các bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng khác.
Vai trò kẽm trong sức khỏe nói chung, bệnh lý hô hấp nói riêng như thế nào?
Nghiên cứu cho thấy nồng độ kẽm thấp có thể đe dọa hệ miễn dịch của bạn.
Khi chúng ta càng lớn tuổi, hệ miễn dịch của chúng ta dễ bị suy yếu hơn, có thể dẫn đến các rối loạn nghiêm trọng sức khỏe, thậm chí gây tử vong.
Chức năng miễn dịch suy giảm làm tăng tính nhạy cảm với viêm phổi và cúm, tạo nguy cơ phát triển các bệnh lây nhiễm hô hấp, bệnh tự miễn và ung thư.
Một số nghiên cứu đã tìm thấy người lớn tuổi có nguy cơ bị thiếu kẽm. Ví dụ , ở Hoa Kỳ, dưới 50% người cao tuổi đảm bảo tiêu thụ đủ kẽm. Vấn đề là do tuổi tác có thể làm giảm hiệu suất hấp thu kẽm từ chế độ ăn uống.
Nghiên cứu cho thấy, việc duy trì nồng độ kẽm đầy đủ có tầm quan trọng đặc biệt trong việc ngăn ngừa viêm phổi, nhất là với người cao tuổi. Trong một nghiên cứu ở người cao tuổi tại cơ sở điều dưỡng, những người có nồng độ kẽm huyết thanh bình thường có tỷ lệ viêm phổi thấp hơn so với những người có nồng độ kẽm huyết thanh thấp.
Các nghiên cứu liên quan đến người cao tuổi cho thấy bổ sung kẽm giúp cải thiện chức năng của hệ miễn dịch và tăng đề kháng với bệnh nhiễm trùng. Trong một nghiên cứu ở người lớn tuổi từ 55- 87 tuổi có nồng độ kẽm huyết tương thấp hơn và stress oxy hóa cao hơn và các dấu hiệu viêm so với người lớn tuổi khác. Một nửa số người lớn tuổi trong nhóm nghiên cứu uống bổ sung kẽm trong 12 tháng, và nửa còn lại dùng giả dược. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp, dấu hiệu viêm và stress oxy hóa thấp hơn ở nhóm dùng kẽm so với nhóm giả dược.
Một nghiên cứu năm 2016 đăng trong Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ đã cho những người trong nhóm nghiên cứu bị thiếu kẽm bổ sung kẽm hoặc giả dược hàng ngày. Sau ba tháng, nhóm bổ sung kẽm tăng lượng kẽm trong huyết tương và tăng số lượng tế bào Lympho T (loại tế bào lympho có vai trò trung tâm trong miễn dịch cơ thể).
Đối với những người không có một chế độ ăn uống tối ưu để tăng cường chức năng miễn dịch, miễn dịch bắt đầu giảm dần ở độ tuổi từ 60 - 65. Nhưng ngay cả những người đang ăn một chế độ ăn uống thích hợp cũng có thể cần bổ sung kẽm.
Nhu cầu kẽm được ước tính cao hơn khoảng 50% đối với những người theo một chế độ ăn hoàn toàn dựa trên thực vật do giảm tính khả dụng sinh học từ thực phẩm thực vật. Phytate, là một hợp chất chống oxy hóa được tìm thấy trong ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch và hạt, ngăn cản sự hấp thu của một số khoáng chất, bao gồm kẽm. Ngoài ra, các khoáng chất khác như sắt và canxi can thiệp vào sự hấp thu kẽm. Đồng cũng cạnh tranh với kẽm để liên kết các protein bên trong các tế bào của cơ thể.
Nguồn bổ sung kẽm từ đâu?
Các thực phẩm giàu kẽm
Tiêu thụ hai đến ba phần thực phẩm chứa kẽm hàng ngày để hỗ trợ mức kẽm tối ưu trong cơ thể, gồm:
Hàu: Một con hàu cỡ vừa chứa đến 5,3 mg kẽm.
Tôm hùm và cua: Rất giàu kẽm.
Một số loại cá như cá hồi, cá bơn cũng có kẽm nhưng ít hơn.
Hạt bí ngô: 1 cốc chứa 6,6 mg kẽm.
Thịt bò: 100 gram chứa 4,5 mg kẽm.
Bột ca cao: 500g chứa 1,9 mg kẽm.
Hạt điều: 500g chứa 1,6 mg kẽm.
Kefir hoặc Sữa chua: 1 cốc chứa 1,4 mg kẽm.
Nấm: 1 chén chứa 1,4 mg kẽm.
Rau bina: 1 cốc chứa 1,4 mg kẽm.
Các viên kẽm bổ sung
Có nhiều viên kẽm bổ sung trên thị trường hiện nay, có cả viên kẽm cho người lớn và trẻ em, bạn có thể xin tư vấn của bác sĩ trước khi dùng tùy vào bệnh lý, tình trạng sức khỏe cụ thể của bạn.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhu cầu kẽm cơ thể như sau:
- Dưới 6 tháng: Tốt nhất tận dụng từ sữa mẹ
- Trẻ sơ sinh 0 - 6 tháng tuổi: 2 mg/ngày
- Trẻ sơ sinh 7 - 11 tháng tuổi: 3 mg/ngày
- Trẻ em 1 - 3 tuổi: 3 mg/ngày
- Trẻ em 4 - 8 tuổi: 5 mg/ngày
- Trẻ em 9 - 13 tuổi: 8 mg/ngày
- Nam 14 tuổi trở lên: 11 mg/ngày
- Nữ 14 - 18 tuổi: 9 mg/ngày
- Nữ 19 tuổi trở lên: 8 mg/ngày
- Phụ nữ mang thai từ 18 tuổi trở lên: 11 - 12 mg/ngày
- Phụ nữ đang cho con bú từ 18 tuổi trở lên: 12 - 13 mg/ngày