Vai trò kẽm đối với hệ miễn dịch
Chức năng miễn dịch suy giảm làm tăng tính nhạy cảm với viêm phổi và cúm, tạo nguy cơ phát triển các bệnh tự miễn và ung thư. Duy trì nồng độ kẽm đầy đủ có thể hạn chế sự suy giảm chức năng miễn dịch thường xảy ra theo tuổi tác.
Nghiên cứu cho thấy rằng, đặc biệt đối với những người lớn tuổi, việc duy trì nồng độ kẽm đầy đủ có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm phổi.
Trong một nghiên cứu của người lớn tuổi ở nhà điều dưỡng, những người có nồng độ kẽm huyết thanh bình thường có tỷ lệ viêm phổi thấp hơn so với những người có nồng độ kẽm huyết thanh thấp. Các nghiên cứu liên quan đến người lớn tuổi cho thấy bổ sung kẽm giúp cải thiện chức năng của hệ miễn dịch và tăng đề kháng với bệnh nhiễm trùng.
Cua chứa nhiều kẽm giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Cơ chế kẽm tăng cường miễn dịch cơ thể
Mặc dù kẽm có nhiều chức năng khác nhau trong cơ thể, nhưng giảm kẽm có thể là nhân tố chính trong sự suy giảm chức năng miễn dịch liên quan đến tuổi tác. Kẽm cần thiết cho quá trình tổng hợp DNA và tăng sinh tế bào. Vì lý do này, các tế bào tăng sinh mạnh như các tế bào miễn dịch, phụ thuộc vào nguồn cung cấp kẽm đầy đủ. Các loại tế bào miễn dịch khác nhau như đại thực bào, bạch cầu trung tính, tế bào T và tế bào B bị suy giảm do thiếu kẽm.
Ngoài vai trò của kẽm trong hệ thống miễn dịch, kẽm cũng làm giảm stress oxy hóa, ổn định cấu trúc protein, điều hòa và thúc đẩy hàng trăm phản ứng hóa học trong cơ thể. Kẽm cũng cần thiết cho việc giải phóng chất dẫn truyền thần kinh trong não và bài tiết insulin.
Duy trì nồng độ kẽm có thể là chìa khóa để sống một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh hơn bằng cách tối ưu hóa chức năng của hệ thống miễn dịch của bạn. Kẽm, kết hợp với chế độ dinh dưỡng tốt giúp làm chậm quá trình lão hóa và giảm nguy cơ viêm phổi và các bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng khác.
Các thực phẩm giàu kẽm
Tiêu thụ hai đến ba phần thực phẩm chứa kẽm hàng ngày để hỗ trợ mức kẽm tối ưu trong cơ thể.
Hàu: Một con hàu cỡ vừa chứa đến 5,3mg kẽm. Loại hải sản có vỏ này còn dồi dào protein cùng các dưỡng chất và vitamin khác như vitamin C, vitamin B12, sắt và selen. Ăn hàu còn giúp bạn tăng khả năng tình dục.
Tôm hùm và cua: Rất giàu kẽm.
Một số loại cá như cá hồi, cá bơn cũng có kẽm nhưng ít hơn kẽm trong tôm hùm và cua. Ăn nhiều hải sản rất tốt cho sức khỏe nói chung và tim mạch nói riêng.
Hạt bí ngô: 1 cốc chứa 6,6mg kẽm. Hạt bí ngô và dầu hạt bí ngô có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh. Hạt bí ngô cũng tốt cho sức khỏe tuyến tiền liệt và thúc đẩy sức khỏe tâm thần của bạn.
Thịt bò: 100g chứa 4,5mg kẽm. Thịt bò cho ăn cỏ chứa axit béo omega-3 và acid linoleic liên hợp, một axit béo không bão hòa đã được chứng minh là giúp xây dựng cơ bắp.
Bột ca cao: 500g chứa 1,9mg kẽm. Bột ca cao là nguồn cung cấp chất flavonoid, epicatechin và catechin, có chức năng như chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa viêm và bệnh tật. Với sự hiện diện của flavonoid trong bột ca cao còn giúp cải thiện lưu lượng máu và hạ huyết áp.
Hạt điều: 500g chứa 1,6mg kẽm. Hạt điều rất giàu axit béo chưa no và giàu protein. Hạt điều giúp chống lại bệnh tim, giảm viêm, thúc đẩy sức khỏe của xương và hỗ trợ chức năng não khỏe mạnh. Thêm vào đó, hạt điều giúp giảm cân tạo cảm giác no lâu và kiềm chế sự thèm ăn.
Kefir hoặc sữa chua: 1 cốc chứa 1,4mg kẽm. Kefir và sữa chua là các sản phẩm dùng làm thực phẩm probiotic. Cả kefir và sữa chua probiotic đều hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh, tăng cường hệ thống miễn dịch, thúc đẩy sức khỏe tim mạch và điều hòa tâm trạng của bạn.
Nấm: 1 chén chứa 1,4mg kẽm. Lợi ích dinh dưỡng nấm được chứng minh bao gồm khả năng tăng cường miễn dịch do hoạt động chống oxy hóa, giảm viêm, chống ung thư, bảo vệ tim và cải thiện chức năng não.
Rau bina: 1 cốc chứa 1,4mg kẽm. Rau bina là một trong những thực phẩm giàu dinh dưỡng nhất. Rau bina chứa carotenoid đặc biệt có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh, bao gồm bệnh tim, béo phì, đái tháo đường, bệnh thoái hóa thần kinh và thậm chí ung thư.