Xin hỏi quý báo điều này có đúng không và việc dùng kem chống rạn có ảnh hưởng gì đến thai kỳ hay thai nhi không?
Nguyễn Lan Anh
(Quảng Ninh)
Rạn da là tình trạng thường gặp ở khoảng 70% phụ nữ mang thai do các sợi collagen và các lớp đàn hồi của da bị phá vỡ. Các trường hợp mang thai muộn (ngoài 35 tuổi) do độ đàn hồi da thấp và mang thai đôi, thai ba do da phải giãn nhiều hơn để có đủ “chỗ trú” cho thai nhi có nguy cơ rạn da cao hơn. Cho đến nay vẫn chưa khẳng định được chính xác thời điểm xuất hiện rạn da bởi tình trạng này ở mỗi người rất khác nhau, có trường hợp mang thai đến tháng thứ 4 đã bị rạn da nhưng có những trường hợp gần đến ngày sinh mới bị hoặc cũng có chị em bị rạn da trong suốt thai kỳ nhưng có người sau sinh mới bị…
Mặc dù rạn da bụng không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi nhưng lại có thể gây cho bà bầu mặc cảm tự ti vì theo thời gian các vết rạn da sẽ trông giống như những vết sẹo màu trắng đục, không bị mất đi nên nhiều người tìm đến các loại kem dưỡng hay kem chống rạn da để sử dụng.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có một nghiên cứu nào khẳng định bôi kem chống rạn da sẽ phục hồi được làn da mà có khi còn gây ảnh hưởng đến thai kỳ. Cụ thể, khi bôi kem chống rạn da, phụ nữ mang thai cần phải thực hiện xoa và massage vùng bụng. Nếu việc làm này kéo dài trong suốt thời gian mang thai dễ làm xuất hiện các cơn co tử cung, khi cơn co ngày càng nhiều, phản ứng đẩy thai trong tử cung ra ngoài càng cao, dẫn đến nguy cơ sẩy thai, động thai, sinh non.
Đặc biệt, ở những tháng cuối thai kỳ, nếu mẹ bầu xoa bụng quá thường xuyên thì các nguy cơ này càng lớn. Do đó, nếu bạn muốn dùng kem chống rạn da nên hỏi ý kiến của bác sĩ và cân nhắc cẩn thận từ việc lựa chọn thành phần kem bôi đến việc thoa kem hàng ngày một cách nhẹ nhàng, tránh việc massage quá nhiều. Trên thị trường có rất nhiều loại kem chống rạn da với các thành phần khác nhau nhưng khi bắt đầu sử dụng, bạn cần thử phản ứng kích ứng của da bằng cách bôi kem lên một vùng nhỏ trên bụng, nếu thấy bị ngứa, nổi mẩn đỏ thì không được sử dụng tiếp.
BS. Trịnh Văn Tùng