1. Kem chống nắng có nhược điểm gì?
- Gây bết, bí da: Khi thoa kem chống nắng sẽ gây bết dính, khó chịu cho người sử dụng. Đặc biệt ở những người có làn da dầu, nhiều trứng cá, việc thoa kem chống nắng có thể gây bết, bí lỗ chân lông và làm gia tăng tình trạng kích ứng da.
- Chất hóa học dùng lâu dài có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe: Một thành phần hóa học của kem chống nắng có thể không tốt cho sức khỏe, như oxybenzone. Oxybenzone đã được chú ý như một chất có khả năng gây hại và Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) vẫn đang yêu cầu thu thập thêm thông tin về khả năng gây hại của chất này đối với cơ thể con người.
Mặc dù hàm lượng chất này trong kem chống nắng là rất thấp, nhưng nó có thể hấp thụ qua da và gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định mức độ hấp thụ và tác dụng sinh học của oxybenzone là bao nhiêu thì gây hại, nhưng nếu nó tích tụ theo thời gian sử dụng thì nguy cơ sẽ cao hơn.
Ngoài ra, một nghiên cứu từ năm 2017 cho thấy oxybenzone có thể gây ra phản ứng dị ứng trên da cũng như phản ứng với clo để tạo ra các sản phẩm phụ nguy hiểm trong hồ bơi và nước.
Một số sản phẩm kem chống nắng có chứa acid aminobenzoic hoặc acid para-aminobenzoic có thể làm ố quần áo.
- Dị ứng: Kem chống nắng chứa các hóa chất có thể gây kích ứng da (mẩn đỏ, sưng da, ngứa rát…). Một số người nhạy cảm có thể xuất hiện các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như phát ban và ngứa dữ dội do chất tạo mùi và chất bảo quản.
Chất PABA trong kem chống nắng dị ứng với tỉ lệ cao nên một số sản phẩm đã loại bỏ chất này khỏi thành phần. Nên dùng kem chống nắng chứa oxide kẽm hoặc titanium dioxide vì chúng ít gây dị ứng hơn.
- Nổi mụn trứng cá nhiều hơn: Khi da người sử dụng gặp các vấn đề về mụn trứng cá thì hóa chất trong kem chống nắng có thể làm tình trạng tăng thêm. Để tránh tác dụng phụ này, nên chọn loại kem không gây mụn và không nhờn.
- Kích ứng mắt: Nếu vô tình để kem chống nắng dây vào mắt trong khi thoa kem thì sẽ gây kích ứng, nhạy cảm tạm thời với ánh sáng. Một số người còn cho rằng hóa chất trong kem còn gây bỏng và mù mắt. Nếu vô tình để kem chống nắng dính vào mắt, hãy rửa lại thật sạch bằng nước lạnh và đi khám bác sĩ ngay nếu tình trạng bỏng rát không hết.
- Không bảo vệ được da khỏi tất cả các tia bức xạ: Khi thoa kem chống nắng, không nên chủ quan phơi nắng ngoài trời quá lâu. Bởi kem chống nắng không thể bảo vệ da khỏi tất cả các bức xạ của ánh nắng mặt trời.
Như chúng ta đã biết, sau khi thoa kem chống nắng từ 2 - 3 tiếng, người dùng cần bôi lại kem chống nắng. Điều này không những gây ra bất tiện cho người sử dụng mà còn gia tăng tình trạng bết, bí da…
2. Cách sử dụng kem chống nắng an toàn
Mặc dù có những bất tiện và nguy cơ nêu trên, nhưng đa số các loại kem chống nắng trên thị trường được FDA cấp phép vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn về độ an toàn.
Lợi ích của việc sử dụng kem chống nắng được chứng minh vượt xa với rủi ro mà một số thành phần ngăn chặn tia UV có thể gây ra.
Do đó vẫn cần sử dụng kem chống nắng, nhất là khi thời tiết đang ngày một nắng nóng để ngăn ngừa lão hóa da và các tác hại của tia cực tím gây nên.
Điều quan trọng là cần biết sử dụng kem chống nắng đúng cách:
- Lựa chọn kem chống nắng phù hợp với type da (da dầu, da khô, da hỗn hợp thiên khô, da hỗn hợp thiên dầu). Mỗi loại da cần dùng đúng sản phẩm kem chống nắng thích hợp và cẩn trọng với những sản phẩm có chứa oxybenzone.
- Xem kỹ thành phần của kem chống nắng và theo dõi da sau khi thoa kem. Nếu có bất kỳ dị ứng nào với thành phần của kem chống nắng như acid aminobenzoic hay bất kỳ dị ứng nào khác cần ngừng loại kem đó và sử dụng sang loại kem chống nắng khác. Tốt nhất là tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu trước khi sử dụng để phòng ngừa tác dụng không mong muốn xảy ra.
- Không sử dụng kem chống nắng toàn thân thoa lên mặt.
- Vệ sinh da sạch sẽ bằng sữa rửa mặt tối thiểu ngày 1 lần, trước khi đi ngủ để loại bỏ kem chống nắng hoàn toàn khỏi da.
Mời độc giả xem thêm video:
SEA Games 31- Lo ngại chấn thương & cách phục hồi.