Kem bôi ngoài da '7 màu' là thuốc gì, sử dụng sao cho đúng?

11-02-2022 15:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Được gọi là thuốc '7 màu' do bao bì của thuốc có 7 màu sắc khác nhau. Thực chất đây là một loại kem bôi ngoài da có chứa corticoid. Khá nhiều bệnh nhân khi bị bệnh ngoài da mua thuốc này về bôi. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc như thế nào cho đúng?

Kem bôi ngoài da 7 màu dùng trong trường hợp nào?

Thuốc 7 màu là loại thuốc bôi dạng kem, được dùng trong các bệnh ngoài da, với các trường hợp:

Kem bôi ngoài da 7 màu, lưu ý gì khi sử dụng? - Ảnh 1.

Thuốc 7 màu được chỉ định một số bệnh ngoài da nhưng không được lạm dụng.

Thành phần của thuốc bao gồm các hoạt chất: Corticoid (kháng viêm), clotrimazole (kháng nấm), gentamicin (kháng sinh)… Thuốc có tác dụng  ức chế sự phát triển và sinh sản của vi khuẩn.

Trong đó, corticoid có tác dụng kháng viêm, ức chế phản ứng dị ứng của cơ thể. Thuốc dùng tại chỗ điều trị các bệnh về da nhờ tác dụng chống ngứa, kháng viêm và co mạch.

Clotrimazol là một chất kháng nấm phổ rộng, điều trị các bệnh nấm ngoài da. Clotrimazol có tác dụng ức chế tổng hợp một chất cần thiết ở màng tế bào nấm. Từ đó ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của nấm.

Gentamicin là kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh aminoglycosid. Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự hình thành protein cho tế bào nên có tác dụng diệt khuẩn.

Khi bị bệnh ngoài da, sau khi thoa thuốc 7 màu thì các triệu chứng có thể giảm rõ rệt. Chính vì thế, trong thực tế lâm sàng, thuốc được khá nhiều bệnh nhân mắc bệnh ngoài da tự ý mua về sử dụng.

Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc?

Kem bôi ngoài da '7 màu' là thuốc gì, cách sử dụng sao cho đúng? - Ảnh 2.

- Do thuốc có chứa corticoid, nên dù là bôi ngoài da nhưng dùng tại chỗ lâu dài cũng có thể gây hội chứng Cushing, tăng đường huyết, loãng xương ở một số bệnh nhân. Đối với bệnh nhân có tổn thương và phải dùng thuốc trên vùng da diện rộng hoặc trong tình trạng băng kín phải được kiểm tra thường xuyên nồng độ corticoid trong máu. Đồng thời tránh sử dụng thuốc lâu dài đặc biệt với các trường hợp băng kín.

- Dù là thuốc điều trị bệnh ngoài da, nhưng thuốc lại có tác dụng phụ gây ra các vấn đề về da khác, như: Viêm nang lông, nổi mụn trứng cá, kích ứng da, cảm giác châm chích, kích thích, bỏng rát, phát ban, đỏ da, nóng bừng, ngứa, khô da, viêm da tiếp xúc dị ứng… tổn thương trầm trọng hơn, rậm lông, tăng sắc tố da, teo da…

- Một số thuốc có thể tương tác làm tăng tác dụng phụ của thuốc 7 màu hoặc làm giảm tác dụng chính của thuốc. Do đó cần được bác sĩ tư vấn khi sử dụng.

- Không nên dùng quá hàm lượng được hướng dẫn, không thoa thuốc quá vùng da bị tổn thương, bởi có thể tăng nguy cơ tác dụng phụ của thuốc.

- Không dùng thuốc quá hạn sử dụng.

- Không mách người khác dùng theo đơn thuốc của mình.

- Tránh để thuốc tiếp xúc với các vùng da nhạy cảm: Mắt, niêm mạc, vết thương hở.

- Không bọc kín phần da đang được điều trị.

- Rửa tay sạch trước và sau khi thoa thuốc.

- Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng trực tiếp, không nên bảo quản thuốc trong tủ lạnh.

- Để thuốc xa tầm với của trẻ và vật nuôi.

Mời độc giả xem thêm video:

Bất ngờ TP. HCM phát hiện nhiều người mắc di chứng đông máu gây đột quỵ sau khi khỏi Covid-19

ThS. Nguyễn Lan Anh
Ý kiến của bạn