PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược cổ truyền phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược cổ truyền cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế rất quan tâm đến lĩnh vực y dược cổ truyền, ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết: Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư về phát triển nền đông y và Hội đông y trong tình hình mới; Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH TW về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Quyết định 2166/QĐ-TTg ngày 31/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Đặc biệt là Quyết định số 1893/QD-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 và nhiều văn bản khác.
Nhằm thực hiện có hiệu quả về chủ trương, chính sách của Đảng và sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với phát triển y dược cổ truyền, phát huy được lợi thế của y dược cổ truyền Việt Nam, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền tổ chức: Hội thảo khoa học Y Dược cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất tại Phú Quốc với chủ đề “kế thừa, phát huy, phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam”. Hoạt động này sẽ được tiếp tục duy trì hai năm một lần. Với mục đích: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng cường gắn kết kết quả nghiên cứu với phát triển sản phẩm được ứng dụng trong thực tiễn; Tạo diễn đàn để các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực y dược cổ truyền công bố những kết quả nghiên cứu; Công bố, trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học lĩnh vực y dược cổ truyền để y dược cổ truyền phát triển.
Hội thảo đã nhận được 81 báo cáo tham luận, trong đó có 26 báo cáo kết quả nghiên cứu về lâm sàng, 15 báo cáo kết quả trong nghiên cứu điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc, 12 báo cáo kết quả trong nghiên cứu thực nghiệm, 10 báo cáo kết quả về nghiên cứu bào chế, nghiên cứu về dược liệu và 18 báo cáo về kết quả nghiên cứu về chính sách, khảo sát, nghiên cứu lý luận.
Hội đồng khoa học của Hội thảo đã chọn ra 30 báo cáo thuộc các lĩnh vực khác nhau để các tác giả, nhóm tác giả báo cáo tại hội trường. Những báo cáo còn lại sẽ được các tác giả trình bày dưới dạng Poster để giới thiệu tại Hội thảo. Sau hội thảo, báo cáo của các tác giả, nhóm tác giả sẽ được gửi cho Tạp chí nghiên cứu y dược cổ truyền Việt Nam tiến hành xuất bản số đặc biệt chào mừng Hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo
Với chủ đề: kế thừa, phát huy, phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận và tìm giải pháp để: Đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật làm công cụ đo lường, đặc biệt là trong lĩnh vực dược liệu, chuẩn hóa thuật ngữ của y học cổ truyền làm cơ sở cho đánh giá khi triển khai nghiên cứu ứng dụng trên lâm sàng giữ được tính đặc thù trong y học cổ truyền, đáp ứng với hội nhập Quốc tế.
Chú trọng nghiên cứu ứng dụng phát triển chuỗi sản phẩm chất lượng cao từ dược liệu và bài thuốc phục vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe con người đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Đẩy mạnh thiết lập mô hình kết hợp ba nhà: nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển sản phẩm bảo vệ sức khỏe.
Chú trọng tất cả các khâu trong nghiên cứu: từ chứng minh tác dụng trên thực nghiệm, trên lâm sàng đến đánh giá an toàn, hiệu quả của sản phẩm nghiên cứu để ứng dụng thực tiễn trên lâm sàng.
Tăng cường tính chủ động của các đơn vị trong hệ thống y dược cổ truyền trong hoạt động nghiên cứu khoa học, củng cố nâng cao trình độ và năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học, phải chuyên môn hóa trong hoạt động nghiên cứu khoa học lĩnh vực y dược cổ truyền.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo đã tổ chức các gian trưng bầy sản phẩm từ y dược cổ truyền và các hoạt động nhằm tăng cường giao lưu và gắn kết trong: quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp.