Hỗ trợ mạnh hơn cho DN du lịch
Theo bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thực tế hiện nay, ngành du lịch có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp cùng với 2 triệu người lao động trực tiếp, 4 triệu người lao động gián tiếp chịu thiệt hại nặng nề. Gần 90% DN đã kiệt quệ vì lâu không hoạt động. Trong đó có đến 60% là DN không còn khả năng để tiếp tục duy trì hoạt động.
Vừa qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có chính sách hỗ trợ như giãn, hoãn nợ thuế, nhưng theo Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đã đến lúc, cần có chính sách cụ thể hơn, mạnh hơn, lớn hơn, điều kiện tiếp cận thuận lợi hơn. Ví dụ như mạnh dạn cho DN vay vốn hoặc hoãn lại những khoản nợ trước đó. Ngoài ra, có thể cho vay kinh phí để trả lương cho người lao động trong thời gian DN đang còn khó khăn và tập trung cho tái kinh doanh, sản xuất. Ở tầm vĩ mô, các chính sách đã có, nhưng quan trọng là khâu triển khai sao cho đạt hiệu quả như mong muốn.
Một điểm đáng lưu tâm là khi triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương, bà Lan nhận thấy một số địa phương chưa mặn mà lắm với chủ trương chung này. Thậm chí, có những địa phương là vùng xanh, không ảnh hưởng nhiều lắm bởi dịch bệnh nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách, quyết định nới lỏng điều kiện cho du lịch.
"Nếu như không có sự cởi mở, không có sự thống nhất và tư duy chung về phát triển du lịch và tạo điều kiện để triển khai thì hoạt động du lịch sẽ vẫn bị đứt đoạn", Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.
Hài hoà kinh tế với chỉ tiêu an toàn
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Trương Văn Cẩm cho biết dệt may là ngành sử dụng lực lượng lao động rất lớn. Theo số liệu thống kê, hiện nay ngành dệt may Việt Nam có khoảng 2 triệu lao động trong các DN công nghiệp và 1 triệu lao động làm trong các DN thương mại và dịch vụ.
Tuy nhiên, các DN thực hiện "3 tại chỗ", "2 điểm đến, 1 cung đường" hay "4 xanh" cũng chỉ duy trì được khoảng 10-15% công suất để giải quyết một số đơn hàng cấp bách nhất. Ông Trương Văn Cẩm đề xuất giao chỉ tiêu phục hồi kinh tế cho các địa phương. Theo ông, Chính phủ đã và đang quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép" thì ngoài phân cấp, phân quyền về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19 cho các địa phương thì cần giao cả chỉ tiêu phục hồi kinh tế. Thiếu chỉ tiêu cụ thể cho mục tiêu thứ hai, các địa phương sẽ vẫn chỉ chú trọng, tập trung về an toàn chứ chưa thực sự chủ động hài hoà cùng lúc hai mục tiêu là vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Hỗ trợ xuất khẩu
Để DN thuỷ sản phục hồi, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cho biết, ngành đang nghiên cứu để xuất với Chính phủ có gói hỗ trợ cho xuất khẩu.
Theo ông Nam, gói này sẽ kích thích chuỗi cung ứng, sản xuất phục hồi nhanh, tiếp sức cho DN kịp thời trở lại sản xuất trong điều kiện bình thường mới.
Gói hỗ trợ xuất khẩu có thể bao gồm chương trình về tài khoá, chương trình hỗ trợ từ góc độ quản lý nhà nước theo chuỗi. Trong đó, ngành chế biến và xuất khẩu thuỷ sản rất quan tâm hỗ trợ về lãi suất trong năm tài khoá. Đại diện lãnh đạo VASEP cho rằng nếu được thiết kế, đưa vào thực hiện đến năm 2025 chẳng hạn, gói hỗ trợ sẽ có ý nghĩa thiết thực.
Cơ hội tái cấu trúc
Đối với đặc thù của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Phan Đăng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, bối cảnh khó khăn này cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và các ngành hàng nói riêng. Ngành công nghiệp có 4 quy trình cơ bản: Khai nhiên (khai thác từ tự nhiên); công nghiệp vật liệu; công nghiệp phụ trợ (tức là chế tạo ra sản phẩm từ công nghiệp vật liệu) và cuối cùng là công nghiệp hoàn thiện. Công nghiệp phụ trợ Việt Nam hiện nay mới chỉ làm gia công và chế tạo chi tiết linh kiện. Đây là khoảng trống trong nền kinh tế nước ta.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, trong giai đoạn phục hồi kinh tế năm 2022 - 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan liên quan cần có chương trình hiến kế cho Chính phủ về việc tập trung phát triển ngành công nghiệp vật liệu. Nếu không, nền công nghiệp của chúng ta vẫn chỉ chủ yếu gia công thuần tuý, trong khi đây là ngành giàu tiềm năng, có thể tạo ra giá trị gia tăng lớn, đóng góp cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"
Người dân Khánh Hòa thích ứng an toàn với COVID-19 nơi công cộng