Việt Nam là một trong những nước được đánh giá là bị ảnh hưởng trầm trọng nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Nếu chúng ta không có một kế hoạch ứng phó cụ thể và hiệu quả thì sẽ có những hậu quả khôn lường cho sức khỏe cộng đồng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch ứng phó với Biến đổi khí hậu giai đoạn 2019-2030 và tầm nhìn đến 2050.
Nhằm triển khai kế hoạch đó, ngày 31-7-2019, tại Nghệ An, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cục Quản lý Môi trường Y tế đã tổ chức “Hội thảo phổ biển, hướng dẫn xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu của ngành y tế “ cho các tỉnh và các đơn vị y tế trực thuộc Bộ ở khu vực phía Bắc.
Hơn 100 đại biểu từ các cơ quan trung ương, các sở y tế, các trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC), các viện nghiên cứu và các trường đại học y đã về dự, trong đó có Đại diện ADB và Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, PGS.TS Dương Đình Chỉnh.
Kế hoạch ứng phó với Biến đổi khí hậu của ngành y tế giai đoạn 2019-2030 và tầm nhìn 2050
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế đã nhấn mạnh những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên sức khỏe của người dân Việt Nam, nguy cơ xảy ra các dịch bệnh do biến đổi khí hậu và sự cấp bách phải chuẩn bị chủ động ứng phó của ngành y tế.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Thực tế nhiều địa phương trong thời gian qua cũng chưa triển khai tốt công tác này, thậm chí nhiều cán bộ y tế cũng chưa nắm được những yêu cầu cơ bản của công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngành y tế tại một số địa phương chủ yếu tập trung vào phòng chống thiên tai bão lụt chứ chưa chú trọng vào lập kế hoạch cụ thể nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu về lâu dài để giảm nhẹ ảnh hưởng của nó lên sức khỏe cộng đồng tại địa phương mình.
Do khó khăn về kinh phí nên việc tổ chức tập huấn chuyên môn, truyền thông về ứng phó với biến đổi khí hậu vừa qua còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Thay mặt Cục Quản lý Môi trường Y tế, TS Đỗ Mạnh Cường đã trình bày giới thiệu Kế hoạch ứng phó với Biến đổi khí hậu của ngành y tế giai đoạn 2019-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định đã được Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành ngày 24-12-2018 (số 7562/QĐ-BYT).
Mục tiêu chung của Kế hoạch là: Nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH của ngành y tế nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ của môi trường, BĐKH ảnh hưởng tới hệ thống y tế và sức khỏe, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.
Cụ thể là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách của ngành y tế trong công tác ứng phó với BĐKH; Nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ y tế và cộng đồng trong việc bảo vệ sức khỏe và ứng phó với BĐKH; Tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH của hệ thống y tế, ưu tiên hệ thông y tế cơ sở.
Đề xuất các dự án ưu tiên lên tới trên 1500 tỷ đồng
Để thực hiện kế hoạch, Bộ Y tế cũng đã đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp bao gồm các mặt về cơ chế chính sách và tổ chức quản lý, truyền thông, giáo dục và đào tạo nâng cao năng lực, xây dựng, nhân rộng các mô hình ứng phó với BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan, tăng cường nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và xã hội hóa, huy động nguồn lực tài chính và kiểm tra, giám sát, đánh giá, Bộ Y tế cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Vụ, Cục, Viện và các Sở Y tế địa phương và đề nghị các Bộ, ngành lên quan, các UBND các tỉnh cùng phối hợp hành động. Một loạt các dự án ưu tiên lên tới trên 1500 tỷ đồng cũng đã được đề xuất.
Các đại biểu tham dự Hội thảo Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu của ngành y tế
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe TS Trần Thị Tuyết Hạnh, đại diện cho Trường Đại học Y tế Công cộng trình bày dự thảo bộ chỉ số đánh giá tác động của BĐKH tới sức khỏe và năng lực thích ứng của ngành y tế. Về công tác đào tạo, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, đại diện cho nhóm chuyên gia đào tạo của dự án ADB trình bày nội dung cơ bản của các lớp đào tạo về BĐKH và sức khỏe của Bộ Y tế sẽ tổ chức trong năm 2019. Ba chương trình đào tạo cho các cán bộ lãnh đạo liên ngành cấp trung ương, cho cán bộ lãnh đạo y tế địa phương và cho các cán bộ y tế chuyên trách sẽ được thực hiện theo chương trình đào tạo liên tục của ngành.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận sôi nổi về Kế hoạch hành động và các nội dung đánh giá, đào tạo và đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho Cục Quản lý Môi trường Y tế trong việc triển khai các nhiệm vụ này.