Thông thường, lập kế hoạch hành động hen dựa trên nguyên tắc tín hiệu đèn giao thông: Có 3 vùng tín hiệu gồm màu xanh, vàng và đỏ trong kế hoạch hành động hen.
Vùng màu xanh - Trẻ thở tốt, không có triệu chứng
Dấu hiệu để xác định trẻ đang ở vùng màu xanh là: Trẻ không có bất kỳ triệu chứng nào như ho, khò khè, khó thở và nặng ngực ban ngày cũng như ban đêm.
Hành động cần thiết trong giai đoạn này là cho trẻ sử dụng thuốc xịt dự phòng hàng ngày. Có thể cho trẻ sử dụng thuốc cắt cơn nhanh trước khi trẻ vận động mạnh như tập thể dục, chạy nhảy, vui chơi cường độ cao...
Vùng màu vàng - Vùng cảnh báo
Dấu hiệu xác định trẻ ở vùng màu vàng là: Trẻ bắt đầu thở xấu đi, ho, khò khè, khó thở, nặng ngực ngày hoặc đêm, tuy nhiên trẻ vẫn hoạt động bình thường.
Hành động: Vẫn cho trẻ dùng thuốc dự phòng hàng ngày như ở vùng màu xanh và sử dụng thêm thuốc cắt cơn. Nếu tình hình của trẻ không trở lại vùng màu xanh sau 1 giờ điều trị, hãy gọi cho bác sĩ hen của con và đưa con đến bệnh viện. Nếu trẻ phải sử dụng nhiều lần thuốc cắt cơn là dấu hiệu của tình trạng hen xấu đi.
Vùng màu đỏ - Trẻ khó thở
Dấu hiệu nhận biết: Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào sau đây là trẻ đã ở vùng màu đỏ.
Trẻ thở khó và nhanh;
Cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực;
Không nói được thành câu;
Xịt thuốc cắt cơn không hiệu quả.
Hành động lúc này là gọi ngay cho bác sĩ của con. Đưa con đi cấp cứu trong khi xịt thuốc cắt cơn liên tục cứ 15 phút/ lần (theo liều bác sĩ cho) trên đường đến bệnh viện.
Cách ghi “Nhật ký theo dõi bệnh hen” của con
Hen phế quản là bệnh mạn tính, phải theo dõi và điều trị lâu dài, nên rất khó để bố mẹ nhớ hết các triệu chứng của con, do đó bác sĩ cũng không thể khai thác được đầy đủ, chính xác bệnh của con, gây hạn chế cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Vì thế, việc ghi lại nhật ký bệnh hen của con vô cùng hữu ích, giúp theo dõi được tiến triển về triệu chứng cũng như chức năng phổi và thuốc điều trị hàng ngày của con. Việc theo dõi bệnh hen của con tại nhà có 3 phần chính sau đây:
Theo dõi triệu chứng: ho; khò khè; khó thở; nặng ngực. Nếu trẻ có triệu chứng này, bạn hãy tích dấu “X” vào những ngày con có triệu chứng, vào ban ngày hay đêm.
Theo dõi chức năng phổi: Đo lưu lượng đỉnh hàng ngày cho con theo chỉ dẫn của bác sĩ. Hãy ghi lại kết quả lưu lượng đỉnh của con đo được hàng ngày vào buổi sáng và tối. Đánh giá chức năng phổi của con ổn định hay thay đổi theo chiều hướng nào (tốt hay xấu) để có những can thiệp kịp thời.
Theo dõi thuốc: Hãy ghi tên thuốc và số lần dùng thuốc hàng ngày của bé, để theo dõi tiến trình dùng thuốc của trẻ.
Tái khám: Khi đưa con đi tái khám, bạn nhớ mang theo thuốc, bình xịt dự phòng cùng Nhật ký bệnh hen của con.
Cách đo lưu lượng đỉnh và theo dõi cho trẻ hen
Dụng cụ đo lưu lượng đỉnh được sử dụng để hỗ trợ theo dõi điều trị bệnh nhân hen phế quản. Lợi ích của việc sử dụng dụng cụ này rất rõ ràng: Giúp theo dõi tiến trình bệnh; Giúp dự báo cơn hen của trẻ; Ngoài ra cũng giúp bác sĩ theo dõi và chẩn đoán hen cho trẻ. Dụng cụ đo lưu lượng đỉnh được dùng hàng ngày đo vào buổi sáng và buổi chiều. Kết quả đo được ghi vào sổ Nhật ký bệnh hen của con.
Việc thực hiện đo lưu lượng đỉnh tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Gạt con trỏ về đầu (phía ngậm miệng).
Bước 2: Trẻ thở ra bình thường, ngậm đầu ống và hít thật sâu.
Bước 3: Sau khi hít sâu, trẻ thở ra thật nhanh và mạnh hết sức.
Bước 4: Xem con trỏ chỉ về đâu thì đó là kết quả đo được.
Bước 5: Hướng dẫn con đo lại 3 lần (lặp lại các bước từ 1 đến 4).
Bước 6: Ghi kết quả cao nhất trong 3 lần đo.
Đánh giá kết quả đo lưu lượng đỉnh:
Nếu số đo trên 80% giá trị bình thường: Nghĩa là phổi của bé bình thường, bé sử dụng thuốc dự phòng hàng ngày.
Nếu số đo 60 - 80% giá trị bình thường: Nghĩa là có dấu hiệu cảnh báo bé chuẩn bị lên cơn hen, bé cần được xịt thuốc cắt cơn ventolin.
Nếu số đo dưới 60% giá trị bình thường: Nghĩa là bé đang có cơn hen nặng, xịt thuốc cắt cơn ventolin và cho trẻ tới bệnh viện ngay lập tức.
Trị số bình thường được đính kèm theo máy. Những trị số bình thường này khác nhau theo tuổi, giới tính, chiều cao và chủng tộc.