Tối 24/10, thượng tá Thân Văn Hải, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang xác nhận, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh này đã phối hợp, bắt giữ được Trần Văn Hiếu (46 tuổi, trú xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang).
Theo đó, gã đàn ông này bị Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp cùng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an bắt giữ lúc hơn 17h cùng ngày khi đang lẩn trốn ở xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, cách hiện trường gây án khoảng 300 km.
Hiện cơ quan chức năng đã di lý Hiếu về Bắc Giang để phục vụ công tác điều tra, làm rõ hành vi giết người.
Dưới góc độ pháp lý trong vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư Tp.Hà Nội cho rằng: "Đây không những là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội khi ra tay sát hại chính cha mẹ, chị em mình mà còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đối tượng sẽ phải nhận một bản án thích đáng của pháp luật.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập các dấu vết để lại để xác định hung thủ gây án, làm rõ nguyên nhân sự việc để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Với dấu hiệu nạn nhân bị sát hại thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự năm 2015 để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật".
Luật sư Cường cho rằng, đối tượng Trần Văn Hiếu sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Giết nhiều người, hành vi có tính chất côn đồ, giết người mà người phạm tội có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng... Khung hình phạt được quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 là phạt tù từ 12 năm, đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Đối với những vụ án giết người mà đối tượng manh động, tàn nhẫn như thế này, hậu quả nhiều người tử vong thì đối tượng rất khó có thể thoát khỏi mức án cao nhất là tử hình.
Theo luật sư, Hiếu từng có tiền án về tội cố ý gây thương tích đối với vợ mình và mới chấp hành xong án phạt tù. Điều này cho thấy Hiếu có vấn đề về thần kinh hoặc thiếu chuẩn mực về đạo đức khi liên tục xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của những người thân.
"Nguyên nhân sự việc cũng có thể là sự trả thù do những mâu thuẫn trước khi đối tượng này thụ án", luật sư Cường nói.
Trong trường hợp xác định đối tượng không bị tâm thần khi gây án, luật sư Cường cho rằng, công tác thi hành án hình sự với Hiếu trong bản án "cố ý gây thương tích" đã không đạt hiệu quả. Bởi, mục đích của hình phạt là để cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội. Sau khi chấp hành án đối tượng sẽ trở thành người tốt, sẽ tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác và tôn trọng các quy tắc cộng đồng, quy định của pháp luật.
Nhìn nhận trong thực tiễn, luật sư cho biết một số vụ án hình sự, đối tượng gây án bị mắc bệnh tâm thần làm rối loạn cảm xúc, hạn chế khả năng nhận thức, dễ bị kích động và không kiểm soát được hành vi. Và những đối tượng này nếu giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật sẽ không mang lại hiệu quả tích cực mà phải có những biện pháp can thiệp bằng y tế, áp dụng biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh để sau khi thực hiện xong các chế tài, các biện pháp hành chính thì đối tượng trở về với đời sống xã hội mới không còn nguy hiểm nữa.
"Vụ án này sẽ có nhiều vấn đề cần phải làm rõ để xử lý tội phạm cũng như để thực hiện tốt hơn công tác phòng ngừa tội phạm", luật sư Cường nhận định.
Xem thêm video đang được quan tâm
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.