Ngày nay, đơn thuốc là văn bản của thầy thuốc hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc. Đơn thuốc (prescription) có nguồn gốc từ tiếng Latinh "praescriptus" bao gồm tiếp đầu ngữ "prae" có nghĩa là "trước" và "scribere" có nghĩa là "viết". "Praescriptus" có nghĩa là "viết trước".
Trong lịch sử y học, trước khi công nghiệp dược ra đời, đơn thuốc do bác sĩ kê để dược sĩ bào chế thuốc cho bệnh nhân. Ngày nay, đặc biệt từ nửa cuối thế kỷ XX, công nghiệp dược phát triển như vũ bão đã làm cho việc pha chế theo đơn thầy thuốc gần như không còn nữa hoặc chỉ rất hạn chế trong một số bệnh viện lớn. Vì vậy, hiện nay đơn thuốc trở thành văn bản để thầy thuốc chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc cho bệnh nhân và là căn cứ để hiệu thuốc bán thuốc cho bệnh nhân. Trong thực hành y dược, đơn thuốc có ý nghĩa rất quan trọng cả về y khoa (chỉ định điều trị), kinh tế (căn cứ để tính chi phí điều trị) và pháp lý (căn cứ để giải quyết các khía cạnh pháp lý của hoạt động khám chữa bệnh và hành nghề dược, đặc biệt liên quan đến thuốc độc, thuốc gây nghiện...).
Những số liệu do các bệnh viện lớn và cơ quan có trách nhiệm của Bộ Y tế công bố gần đây cho thấy tình hình kê đơn và sử dụng thuốc ở Việt Nam hiện nay đang cần được chấn chỉnh. Chí phí về thuốc đang chiếm khoảng 60% chi phí ở bệnh viện trong khi tỷ lệ này theo khuyến cáo của WHO là 25-30%. Số liệu của Cục Quản lý khám chữa bệnh công bố một kết quả điều tra cho thấy: 41% bệnh án chỉ định dùng 2 kháng sinh, 7,7% bệnh án dùng 3 kháng sinh. Đa số các bệnh án dùng 6-8 thuốc, 10% bệnh án sử dụng 10-15 thuốc. 85% số đơn thuốc được khảo sát kê 6 loại thuốc. Trong khi đó, WHO đưa ra khuyến cáo số thuốc bình quân cho một đơn thuốc chỉ nên từ 2 đến 3 thuốc.
Sai sót khi kê đơn - hậu quả lớn
Ngày nay, một đơn thuốc thường bao gồm các phần chính sau đây:
- Ở phía trên có ký hiệu "R" hoặc "Rx" là ký hiệu viết tắt của từ Latinh "Recipe" có nghĩa là "Hãy lấy":
- Tên, tuổi, địa chỉ của bệnh nhân.
Chẩn đoán bệnh.
- Phần kê tên các loại thuốc chỉ định cho bệnh nhân và cách dùng.
- Chữ ký của người kê đơn.
Do tầm quan trọng và ý nghĩa nhiều mặt của đơn thuốc, các thầy thuốc thường rất thận trọng khi kê đơn để đơn thuốc chính xác, hợp pháp, hợp lý, có đầy đủ các hướng dẫn cần thiết bảo đảm an toàn cho bệnh nhân trong quá trình điều trị. Trong bối cảnh chi phí y tế ngày càng trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc gia, quỹ bảo hiểm y tế và túi tiền bệnh nhân, các chuyên gia y dược, các nhà xã hội học và các nhà kinh tế y tế ngày càng nhấn mạnh đến khía cạnh chuyên môn và kinh tế của việc kê đơn, chống lãng phí trong kê đơn và sử dụng thuốc. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau, vẫn còn rất nhiều sai sót trong các đơn thuốc như: kê sai tên thuốc, nhầm lẫn liều lượng chỉ định, quá liều gây ngộ độc, kê quá nhiều thuốc gây tương tác có hại giữa các thuốc, khó kiểm soát tác dụng phụ có hại của thuốc và tăng gánh nặng chi phí y tế và chi phí thuốc men. Kê đơn quá nhiều loại thuốc còn góp phần làm cho bệnh nhân phụ thuộc vào thuốc và trong một số trường hợp gây nghiện thuốc (với thuốc gây nghiện và hướng tâm thần...). Xét về mặt chuyên môn, các sai sót nói trên đã tạo ra hậu quả xấu về nhiều mặt, giảm chất lượng khám chữa bệnh và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong cơ chế thị trường hiện nay các sai sót nêu trên càng trở nên trầm trọng hơn dưới tác động của các "lợi ích kinh tế". Việc kê đơn của thầy thuốc chịu tác động rất nhiều bởi các hoạt động tiếp thị, quảng cáo rất tinh vi của các "đại gia" trong ngành công nghiệp dược toàn cầu, bởi các nguồn thông tin được gọi là "khoa học" nhưng không thật sự trung thực ngay cả trên một số tạp chí y khoa, bởi các chiêu tiếp thị "truyền miệng" tuy thô sơ nhưng rất có hiệu quả trong bối cảnh kiến thức về bệnh tật hạn chế trong một bộ phận dân chúng...
“Thực hành kê đơn thuốc tốt” khuyến khích các thầy thuốc tuân thủ nguyên tắc kê đơn. |
Nguyên tắc cơ bản của đơn thuốc
WHO và các hội y khoa các nước đang hành động tích cực để từng bước cải thiện tình hình kê đơn trên toàn cầu thông qua ban hành và áp dụng "Thực hành kê đơn tốt" (Good Prescription Practice). Nhìn chung "Thực hành kê đơn tốt" khuyến khích các thầy thuốc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau đây khi kê đơn thuốc:
Phải kê đơn bằng bút mực. Tên thuốc chính xác, chữ viết rõ ràng, dễ đọc, không viết tắt. Ngày nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, có thể sử dụng các mẫu đơn thuốc trong máy tính khi kê đơn.
Chỉ ký tên trên đơn thuốc sau khi đã hoàn tất việc kê đơn.
Thầy thuốc không bao giờ được ký khống trên đơn thuốc còn để trống.
Cần ghi chính xác tên thuốc, dạng bào chế, hàm lượng, nồng độ thuốc.
Số lượng thuốc phải được ghi rõ ràng, chính xác.
Phải hướng dẫn đầy đủ cách dùng cho từng thuốc ghi trong đơn.
Tránh viết tay bổ sung vào các đơn thuốc kê bằng máy tính.
Phải ký tên xác nhận mọi thay đổi, sửa đổi bổ sung trên đơn thuốc.
Trong điều kiện công nghệ truyền thông và công nghệ thông tin phát triển, trên đơn thuốc nên có số điện thoại và địa chỉ e-mail (nếu có) để bệnh nhân và dược sĩ bán thuốc có thể liên hệ khi cần.
Cần có giải pháp đồng bộ
Cố nhiên, việc triển khai "Thực hành kê đơn tốt" không chỉ phụ thuộc vào đội ngũ thầy thuốc. Cần lập lại trật tự trong thị trường dược phẩm, chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo tiếp thị dược phẩm, tăng cường thông tin trung thực, khoa học, khách quan và không vụ lợi về thuốc cho đội ngũ thầy thuốc và kể cả đẩy mạnh nâng cao y đức là những yếu tố cực kỳ quan trọng góp phần vào việc đẩy mạnh thực hành kê đơn thuốc hợp lý, hiệu quả, an toàn và kinh tế. Mục tiêu của "Thực hành kê đơn tốt" cũng nhằm đến thực hiện một nguyên tắc đã có từ lâu đời trong y khoa: sứ mạng của thầy thuốc là "chữa người bệnh" chứ không phải "chữa bệnh".