Hà Nội

Karen Blixen, đời thực mang lại 2 Oscar cho đạo diễn Sydney Pollack

17-07-2019 07:22 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - GS. Peter Englund, Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển nhận xét, việc Karen Blixen (1885-1962) không được trao giải Nobel Văn học trong thập kỷ 1930 là một sai lầm.

Nỗ lực chuyển thể tiểu thuyết tự thuật Xa mãi châu Phi (Out of Africa) xuất bản năm 1937 của nữ nhà văn Đan Mạch lên màn ảnh đã mang lại cho đạo diễn Mỹ Sydney Pollack (1934-2008) 2 giải Oscar 1985 (hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất và Sản xuất).

Xa mãi châu Phi là ký ức cuộc sống đầy sóng gió của nữ nhà văn kéo dài 17 năm quản lý đồn điền cà phê ở Kenya cùng ông chồng hư hỏng, mắc bệnh Syphilis (giang mai).

Tác giả Xa mãi châu Phi chào đời ngày 17/4/1885, xuất thân từ gia đình quý tộc Đan Mạch với cái tên Karen Dinesen ở thị trấn Rungsted, phía Bắc Copenhagen.

Từ tuổi ấu thơ, bé Karen đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Ngay những năm cuối tiểu học, Karen đã vẽ tranh và viết truyện ngắn ký tên Osceola, thủ lĩnh người da đỏ. Bút danh hàm ý tưởng nhớ đến bố, người từng có thời gian sống với người da đỏ trong các chuyến ông rong ruổi du lịch khám phá thế giới.

Năm 1906, Karen tốt nghiệp chuyên ngành hội họa, Đại học Mỹ thuật Hoàng gia Đan Mạch và chỉ năm sau trình làng với tư cách nữ nhà văn với hàng loạt truyện ngắn đăng trên các tờ báo sở tại với bút danh Isak Dinesen. Lý do người đẹp lấy bút danh đàn ông, cả với kiệt tác Xa mãi châu Phi sau này là do bà không muốn sáng tác của mình “bị” xếp vào loại “văn học nữ giới”.

Karen vào tuổi gả chồng, mẹ Ingeborg muốn con gái trở thành con dâu gia đình quý tộc, bà đã hết lời thuyết phục con nhận lời cầu hôn của bá tước Brora Blixen. Vì Karen không hề có cảm tình với Brora, để đi đến hôn nhân, mẹ đã phải trả giá bằng việc chi tiền để con gái vượt đại dương sang châu Phi sinh sống.

Không lâu sau, bá tước Brora rời Đan Mạch, đến Kenya, mua đất mở đồn điền cà phê. Mùa xuân 1914, Karen chia tay mẹ, đến với Brora và cặp đôi tổ chức đám cưới.

Karen thời trẻ (bên trái) và Karen cùng chồng Brora ở châu Phi đầu những năm 1920.

Karen thời trẻ (bên trái) và Karen cùng chồng Brora ở châu Phi đầu những năm 1920.

Chồng bội bạc. Hai cuộc tình lãng mạn

Cuộc sống vợ chồng xa quê êm đềm không lâu bởi sở thích riêng ích kỷ của Brora. Ông chồng Karen ngày càng có nhiều chuyến đi xa vắng nhà dài ngày. Mối đam mê của Brora không giới hạn ở thú vui săn bắn sư tử và hươu nai. Anh ta còn chìm đắm với rượu mạnh và gái đẹp.

Karen trở thành phu nhân bá tước không lâu bắt đầu cảm thấy khó ở. Thoạt đầu bà nghĩ, mình mắc bệnh sốt rét phổ biến ở lục địa Đen. Tuy nhiên, bác sĩ thăm khám khẳng định, bà đã bị chồng đổ bệnh syphilis (giang mai). Ông là thầy thuốc từng chữa trị cho Brora chính căn bệnh này. Vì quá gắn bó với đồn điền cà phê và đất nước Kenya, Karen buộc phải tha thứ cho ông chồng trụy lạc và âm thầm chữa bệnh.

Giá cà phê tăng đột biến năm 1916 do hệ quả Chiến tranh Thế giới I cùng mối tình lãng mạn thoảng qua với bá tước Erik von Otter, một người quen của Brora đã giúp Karen phần nào quên đi khoảng trống cô đơn do ông chồng bội bạc tạo ra.

Người đàn ông có biệt tài bắn súng được mệnh danh “mỗi viên đạn, một con nai” mời Karen cùng đi săn. Trái với Brora, bá tước Otter vui như hội, mỗi khi có cơ hội gần gũi Karen. Mày râu không giấu giếm mối tình si và thậm chí hơn một lần thuyết phục nàng sớm ly dị Brora. Cho dù Karen rất có thiện cảm với Otter, song nàng sớm phát hiện, ngoài thú vui chung từ các cuộc đi săn, giữa hai người không có chuyện gì để nói. Đơn giản, đối tác thua kém xa Karen về mặt trí tuệ. Vậy nên nàng sớm cắt đứt mối quan hệ này. Cùng lúc cũng xuất hiện tình yêu mới của Karen. Đó là Denys Finch Hatton.

Được đào tạo qua trường đẳng cấp cao, quý tộc Anh quốc Denys không chỉ giỏi tổ chức các chuyến đi săn, mà còn chủ trì hoàn hảo các cuộc hội thảo khoa học. Vậy nên, không ngạc nhiên khi hai người chớp nhoáng tìm được tiếng nói chung, ngay cuộc gặp tình cờ tại câu lạc bộ Muthiag.

Tình bạn của họ nhanh chóng chuyển thành tình yêu. Karen khẳng định, bà ngưỡng mộ “toàn bộ con người Denys”. Trong thư gửi cho anh trai Thomas, bà bộc bạch, “Denys là người đàn ông lý tưởng có thật”.

Tình yêu với Denys đã tiếp năng lượng để Karen thay thế chồng làm Giám đốc Tập đoàn Coffee Co. thành lập năm 1916 kinh doanh thua lỗ, ngày càng phát triển. Thấy bản thân kém xa vợ trong quản lý kinh tế cùng mối quan hệ thân thiết của nàng với tình nhân, bá tước Denys, người hơn hẳn mình về mọi mặt, Brora chủ động yêu cầu ly hôn. Hai người chính thức chia tay nhau năm 1925.

Các cuộc gặp gỡ Karen với bá tước Denys diễn ra đều đặn và đằm thắm hơn, cặp đôi đã ấp ủ dự định đi đến hôn nhân. Tiếc rằng ngày 14/5/1931, Denys vĩnh viễn từ giã cuộc đời sau tai nạn với chiếc máy bay do chính bá tước điều khiển.

Karen hết sức đau buồn. Bà mai táng người yêu trên ngọn núi Ngong, tại thung lũng, nơi hai người từng lựa chọn. Nữ nhà văn qua đời ngày 7/9/1962 tại quê hương, ở Rungsted.


Ngọc Báu
Ý kiến của bạn