Kangagroo – phép màu cho những “cành lộc non”

06-02-2019 08:13 | Đời sống
google news

SKĐS - Chào đời trong thời gian lẽ ra vẫn còn đang nằm trong bụng mẹ, những em bé sinh non bé bỏng như chồi non yếu ớt luôn cần sự chăm sóc đặt biệt. Và thật may mắn, kangaroo đã có mặt như một giải pháp cứu cánh nhiệm màu.

Năm 2012, chị Trần Thị Tình ở Lai Vung, Đồng Tháp, mang tứ thai được các bác sĩ BV. Từ Dũ (TP.HCM) mổ bắt con thành công. Đây là trường hợp thụ thai thường sinh bốn hiếm gặp, tỷ lệ một trong 700.000 ca.

Bốn bé gái lần lượt được đưa ra khỏi bụng mẹ với cân nặng 1,5kg, 1,2kg, 1,6kg và 1,7kg.Thành công của ca sinh tư hiếm gặp là niềm vui, nhưng nỗi lo canh cánh lại đến ngay sau đó bởi ai cũng biết, chăm bốn bé sinh tư nhẹ cân không đơn giản chút nào.May mắn nhờ có kỹ thuật kangagroo.

Một tuần sau khi người mẹ dần hồi phục sức khỏe, các bác sĩ bắt đầu hướng dẫn kỹ thuật kangagroo cho phụ huynh, trong đó có cả dì, cậu và ngoại của các bé. Thật ngoạn mục, từ những cô bé thiếu tháng như những “chồi non tơ yếu ớt” đã cứng cáp dần.Đến nay, cái Tết thứ 7 kể từ sau ngày được áp dụng kỹ thuật con chuột túi, cả 4 bé đều khỏe mạnh.Những bác sĩ ngày đó bảo nhau rằng, dù chăm sóc trẻ sinh non đòi hỏi rất nhiều thứ.Nhưng có lẽ kangagroo là cứu cánh đầu tiên.

KangagrooKangaroo giúp trẻ cải thiện sức khỏe và tăng thêm sự khắng khít giữa mẹ lẫn con.  Ảnh BS. Xuân Trang

Khởi đầu thành lập từ năm 1997, đến nay Đơn vị “Chăm sóc Bà mẹ Kangaroo” của BV.Từ Dũ đã hỗ trợ cho hơn 10.000 em bé sinh non thiếu tháng.Riêng năm 2018, gần 1.500 trẻ được chăm sóc tại BV.Từ Dũ bằng phương pháp kangaroo.Trước đó, trong năm 2017, gần 1.400 trẻ sơ sinh được chăm sóc bằng phương pháp này.

“Phương pháp chăm sóc Kangaroo” do BS. Edgar Rey Sanabria và BS.Hector Martinez khởi xướng ở Bogota, Colombia năm 1978 để giải quyết tình trạng thiếu lồng ấp, bỏ rơi con và nhiễm khuẩn bệnh viện nặng nề.40 năm qua, phương pháp này đã ngày càng được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam và BV.Từ Dũ là một trong những đơn vị y tế tiên phong.

Bắt đầu từ một bài báo

Trẻ sinh non yếu ớt như một mầm cây. Trẻ cần được giữ ấm, cần được theo dõi liên tục nhưng những thiết bị y tế chuyên dùng cho trẻ sơ sinh lại đắt tiền và cực kỳ hiếm hoi trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam còn bị cấm vận. Chính vì vậy, năm 1986, BS.Nguyễn Thu Nga lúc đó là bác sĩ sơ sinh của BV.Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí đã vô cùng vui mừng khi được một chuyên gia nước ngoài đang hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện đưa cho một bài báo nói về phương pháp chăm sóc trẻ sinh non nhẹ cân bằng cách đặt trẻ nằm trên người mẹ.

Khi thực hiện phương pháp chăm sóc kangaroo, ngực của bà mẹ trở thành lồng ấp tốt nhất, riêng biệt và không có
những con vi khuẩn đa kháng thuốc

Chỉ với những thông tin sơ lược về phương pháp chăm sóc kangaroo của Colombia mà BS. Nga đã bước đầu thực hiện cách chăm sóc này và đã giúp được nhiều trẻ sinh non thoát khỏi bàn tay tử thần. Năm 1996, với sự hỗ trợ của tổ chức nhân đạo APPEL của Pháp, BS.Nguyễn Thu Nga và BS.Lương Kim Chi của BV. Từ Dũ cùng hai điều dưỡng được tài trợ sang Colombia, cái nôi của phương pháp chăm sóc kangaroo để được huấn luyện một cách bài bản.

Khởi đầu gian khổ

Năm 1997, BS. Lương Kim Chi bắt đầu triển khai phương pháp chăm sóc kangaroo ở BV. Từ Dũ. Thời gian đó, Việt Nam chưa có internet, không thể tiếp cận được với những tài liệu y khoa và nghiên cứu trên thế giới để có những bằng chứng thuyết phục về hiệu quả của phương pháp chăm sóc mới mẻ này. Thế nhưng, trái tim của những người mẹ đã cùng một nhịp đập. Giám đốc BV.Từ Dũ và trưởng khoa Sơ sinh của bệnh viện thời điểm đó là Anh hùng Lao động, TTND.GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng và PGS.TS.Lê Diễm Hương đã cho phép và ủng hộ thực hiện phương pháp chăm sóc kangaroo.

Khởi sự bằng một chiếc chiếu trải trong một góc hành lang khoa Sơ sinh với bao nhiêu hoài nghi ngay từ chính đồng nghiệp. Khát khao cứu sống con của các bà mẹ đã giúp bác sĩ Chi vượt qua những khó khăn trở ngại. Vừa làm bác sĩ điều trị trong phòng chăm sóc tích cực, vừa phụ trách phòng chăm sóc kangaroo, BS Chi đến từng bà mẹ để hỗ trợ tập cho con bú, chỉnh sửa tư thế cho phù hợp. Phòng chăm sóc kangaroo “đầu tư” thêm 4 cái ghế bố và đến nay đã là một đơn vị chăm sóc với 50 giường đúng chuẩn và một phòng khám ngoại trú.

Trở thành giải pháp chống nhiễm khuẩn sơ sinh

Phương pháp chăm sóc kangaroo an toàn và giúp trẻ sinh non được ra viện sớm hơn, được theo dõi tốt hơn sau khi ra viện. Năm 1998 - 2007, tổ chức APPEL tiếp tục tài trợ để BV.Từ Dũ và BV.Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí đào tạo cho 24 bệnh viện khác trong cả nước về phương pháp này. Các nước khác cũng đã đến Việt Nam để học phương pháp này chăm sóc trẻ sinh non Lào, Bhutan, Pakistan…

Theo số liệu báo cáo của WHO năm 2013, tỷ lệ sinh non của Việt Nam là 9/100 trẻ sinh sống.Số trẻ sinh non lại tập trung ở các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Khi thực hiện phương pháp chăm sóc kangaroo, ngực của bà mẹ trở thành lồng ấp tốt nhất, riêng biệt và không có những con vi khuẩn đa kháng thuốc. Khi nằm lên người mẹ, da trẻ được bao bọc bởi những vi khuẩn thường trú trên da bà mẹ. Những vi khuẩn này không gây bệnh mà cạnh tranh với những vi khuẩn gây bệnh, khiến những vi khuẩn có hại không có cơ hội xâm nhập vào cơ thể trẻ.

Kangagroo BS. Lương Kim Chi hướng dẫn bố mẹ ca sinh tư kỹ thuật ấp kangaroo

Không phải chỉ dành cho nước nghèo

Hiện nay, không chỉ các nước nghèo thiếu lồng ấp mới áp dụng phương pháp này mà ngay cả các nước giàu cũng áp dụng vì nghiên cứu cho thấy phương pháp chăm sóc kangaroo có ích cho sự trưởng thành về thần kinh và não bộ đối với trẻ sinh non.

Bản năng sinh tồn của tạo hóa đã sắp xếp cho trẻ sơ sinh luôn muốn được gần mẹ. Việc cách ly mẹ con khiến cho trẻ cảm thấy lo lắng, dẫn đến tăng cortisol trong máu. Hormon này dẫn đến hàng loạt những bất ổn về hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, tuần hoàn não.

Khi được tiếp xúc da kề da với mẹ, các giác quan của trẻ cảm nhận được tiếng tim quen thuộc của mẹ, mùi sữa mẹ, cảm nhận được vòng tay bảo vệ của mẹ nên sẽ yên tâm, ổn định hoạt động của các cơ quan trong cơ thể và thần kinh sẽ trưởng thành tốt hơn.

Hiện tại, tử vong do sinh non chiếm 50% nguyên nhân tử vong sơ sinh. TS. Trần Đăng Khoa, Vụ Phó Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đã nêu quyết tâm triển khai chương trình chăm sóc kangaroo cho các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh để góp phần giảm tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh.

Cần phải có nhiều hoạt động để tất cả nhân viên y tế hiểu rõ được sự quan trọng của việc gắn kết giữa bà mẹ và trẻ sơ sinh.Các bà mẹ cũng cần được biết nhiều hơn về phương pháp chăm sóc này để tự tin thực hiện, không còn né tránh nữa.

Ước mong sao hình ảnh những em bé nhỏ xíu ngủ yên bình trên ngực mẹ sẽ được nhìn thấy ở tất cả bệnh viện có chăm sóc trẻ sinh non và tất cả những mầm xanh bé nhỏ đó có cơ hội vươn cao mạnh mẽ.


BS.CKII. NGUYỄN THỊ TỪ ANH
Ý kiến của bạn