Jean Sibelius (1865-1957) là nhà soạn nhạc cổ điển người Phần Lan thế kỷ 20. Ông đã góp phần ghi tên quê hương Scandinavia trên bản đồ âm nhạc thế giới. Trong cuộc đời soạn nhạc gần 5 thập kỷ của mình, ông đã cho ra đời 7 bản giao hưởng và những tác phẩm viết cho piano, violin và phổ thơ. Tác phẩm của ông theo trường phái lãng mạn, thể hiện tình yêu thiên nhiên và đất nước. Khi nghe nhạc của ông, người ta như nhìn thấy những dãy núi phủ tuyết, nghe thấy tiếng suối chảy róc rách, thả hồn theo những sắc màu lung linh huyền ảo của cuộc sống. Trong những ngày tháng 5 này, người yêu nhạc Việt Nam lại có dịp thưởng thức những giai điệu tuyệt vời của ông trong chương trình Ngày châu Âu tại Việt Nam.
Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, Jean Sibelius sáng tác nhạc từ năm lên 10 tuổi. Ngay từ thuở thiếu thời, tình yêu thiên nhiên đã góp phần thổi hồn cho bản Mưa rơi (Raindrop) đầu tay, viết dành tặng em trai Christian mới bắt đầu tập chơi nhạc. Tiếng đàn violin của Sibelius chịu nhiều ảnh hưởng từ âm nhạc của Haydn, Mozart, Beethoven, Schubert, Schumann và Mendelssohn, nó đã ngấm và ăn sâu trong mỗi trái tim thành viên gia đình ông. Mùa thu năm 1885, Sibelius theo học tại Học viện Âm nhạc Helsinki, kết quả tốt nghiệp xuất sắc và một tâm hồn cảm nhận âm nhạc khác thường đã báo hiệu một thiên tài - niềm hy vọng của Phần Lan thế kỷ 20.
Sau những năm tháng theo học tại Vienne, Áo và Berlin, Đức (1989 - 1991), những cái nôi của nền âm nhạc cổ điển thế giới, nơi sản sinh ra những thiên tài lỗi lạc như Mozart và Beethoven, Sibelius đã định hình cho mình một phong cách lãng mạn rất mới thể hiện tình yêu xứ sở và tâm hồn Phần Lan, góp phần khẳng định tên tuổi của ông và mang hình ảnh quê hương ra cả thế giới qua những nốt nhạc. Các tác phẩm tiêu biểu có chiều sâu nội tâm như Valse triste và Finlandia đã được cả thế giới say mê và yêu mến.
Thiên nhiên và phong cảnh trên xứ sở Phần Lan tuyết rơi trở thành chất liệu cho âm nhạc của Sibelius. Cuộc sống gia đình hạnh phúc bên người vợ yêu dấu Aino Jarnefelt cùng những người con trên quê hương Ainola yên bình là nguồn cảm hứng cho ra đời kiệt tác Tapiola. Bản giao hưởng số 6 như đưa ta đến những khu rừng bao quanh mặt hồ Tuusula, cảm nhận thời khắc chuyển mình của thiên nhiên 4 mùa trong năm, qua lăng kính âm nhạc của ông, tâm hồn ta như bay bổng qua bầu trời ngắm nhìn những đàn thiên nga lướt trên mặt hồ băng, nghe tiếng những đàn sếu và những chú chim giẽ kêu chiêm chiếp trên mặt bùn lầy Ainola. Sibelius cho ta cảm nhận khung cảnh mùa xuân cũng như màu sắc và hương vị mùa thu và hơi lạnh của những bông tuyết rơi đầu tiên.
Sibelius còn đưa nhạc dân gian và những vần thơ Kalevala nổi tiếng của Phần Lan để tạo nên sắc thái huyền bí và mờ ảo cho các tác phẩm Drommen, Kullervo, Karelia, và En Saga.
Các kiệt tác khác như Luonnotar, Hostkvall và Pa verandan vid havet, Thi sĩ (The Bard) và Người con gái của thiên nhiên (The daughter of nature) đã góp phần tạo nên ảnh hưởng Sibelius đối với nhạc cổ điển thế giới thế kỷ 20 - 21. Ông được coi là bậc thầy của giao hưởng chỉ xếp sau Beethoven. Cho đến nay, các dàn nhạc giao hưởng lớn trên toàn thế giới như Gothenburg, London, châu Âu... dưới sự chỉ huy của các nhạc trưởng kiệt xuất (Neeme Javi, Collin Davis, Paavo Berglund...) vẫn thường xuyên trình diễn và ghi âm trọn bộ các tác phẩm của Sibelius. Đồng thời, phong cách sáng tác nhạc liên tưởng đến những sắc màu và cấu trúc đan xen của ông để lại dấu ấn sâu đậm trong sáng tác của các nhà soạn nhạc hiện đại thế kỷ 21 như Tristan Murail và Gerard Grisey (Pháp), Phillip Glass, John Adams (Mỹ), Thomas Ades và Julian Anderson (Anh). Trong khuôn khổ Những ngày châu Âu tại Việt Nam (tháng 5/2009), những kiệt tác của Sibelius đã ra mắt công chúng Việt Nam qua màn trình diễn của hai nghệ sĩ Phần Lan Jussi Makkonen và Rait Karm.
Bích Vân (Theo Wikipedia, Sibelius.fi)