Jazz - “Sang chảnh” tạo nên chất riêng

04-03-2013 08:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

Jazz là dòng nhạc bắt nguồn từ Mỹ, có sự trộn lẫn phức tạp trong tiết tấu của người châu Phi với hòa âm của nhạc giao hưởng. Tuy nhiên, khi du nhập vào mỗi quốc gia, jazz lại có sự biến tấu riêng để phù hợp với văn hóa và “gu” nghe của khán giả.

Jazz là dòng nhạc bắt nguồn từ Mỹ, có sự trộn lẫn phức tạp trong tiết tấu của người châu Phi với hòa âm của nhạc giao hưởng. Tuy nhiên, khi du nhập vào mỗi quốc gia, jazz lại có sự biến tấu riêng để phù hợp với văn hóa và “gu” nghe của khán giả. Jazz Việt cũng vậy, từ trước đến nay, người ta không thấy những yếu tố xô bồ lảng vảng gần sân chơi của jazz, đương nhiên đó là vì ngay từ đầu jazz nói chung và jazz Việt nói riêng đã chọn phong cách ngẫu hứng, đầy chất nghệ, khó mà nhầm lẫn với dòng nhạc khác.

Ổn định khán giả

Kén khán giả nên sức lan tỏa của jazz cũng được phân vùng, môn nghệ thuật này có thể xôm, thậm chí cực xôm chỉ với một nhóm nghệ sĩ và vài trăm đôi tai biết thưởng thức. Hoạt động của jazz tại Việt Nam cũng không rầm rộ và phát triển “vô tội vạ” như nhạc trẻ. Không “mơ màng” tới con số hàng ngàn khán giả cho mỗi show diễn nhưng mỗi khi có dịp, khán giả luôn kín ghế trong không gian của jazz. Thế nên, jazz chẳng bao giờ bị ám ảnh với sự lỗi thời hay “ế khách”.

Jazz - “Sang chảnh” tạo nên chất riêng 1
Nghệ sĩ Bojan Z. Ảnh: BTC

Thời gian qua, jazz có những hoạt động vô cùng sôi nổi, đặc biệt là thời điểm trước và sau Tết. Tại Nhà hát Lớn, nghệ sĩ Phan Anh Dũng đã mang đến cho khán giả những màn biểu diễn hết sức đặc biệt do anh và đồng nghiệp sáng tác cùng những bản nhạc Việt chơi theo phong cách jazz. Với những bản nhạc này, khán giả được nghe một thứ âm nhạc quen thuộc mà vẫn mang đậm chất âm nhạc đến từ một nơi xa xôi. Giai điệu trầm lắng du dương của cây kèn saxophone dẫn người nghe cảm nhận sự da diết trong Chiếc lá cuối cùng, đến sự bình yên của Chiều, rồi niềm hân hoan trong Đón xuân và đến một không gian nhộn nhịp nơi Phố...

Khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội mỗi khi có dịp “chiêu đãi” nhạc jazz luôn trong tình trạng kín khán giả. Có những người trẻ, người trung niên, thậm chí có cả những cụ già. Thế mới biết nhạc jazz luôn có chỗ đứng riêng của mình.

Bắt tay với jazz ngoại

Tại TP.HCM dịp cuối tháng 2/2013, khán giả hào hứng chào đón bữa tiệc jazz với sự góp mặt của một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới Bojan Z. Theo lời mời của Trung tâm Văn hóa và hợp tác Pháp tại TP.HCM và Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF), nghệ sĩ Bojan Z mang đến Việt Nam những “sản phẩm” tuyệt vời làm khán giả đam mê nhạc jazz càng thêm “nghiện” môn nghệ thuật này.

Thường xuyên trau dồi tài năng của mình trên những sân khấu lớn, trong vòng mười năm, Bojan Z đã không cho ra đời album piano solo nào. Cuối cùng, vào đầu năm 2012, ông đã trở lại với album mới Soul Shelter, không chỉ thể hiện sự điêu luyện trong biểu diễn độc tấu mà còn nhấn mạnh sự độc đáo trong cá tính âm nhạc của ông – điều giúp ông trở thành một nhà soạn nhạc jazz nổi bật của châu Âu hiện nay.

Album Soul Shelter phản ánh cả con người của Bojan Z, có lẽ nhiều hơn những gì ông dự tính. Album solo Bojan Z mang đến nhiều phong cách khác nhau, độc đáo của riêng mình. Âm nhạc của ông là một tổng hợp từ nhiều phong cách nhưng ta không bao giờ bắt gặp một sự chắp vá giả tạo. Có thể nói đây là tiếng nói riêng của ông, tiếng nói tổng hợp từ nhiều ngôn ngữ - trong một cuộc đối thoại ông có khả năng lồng ghép nhiều thứ tiếng khác nhau như Ả rập, Ý, Anh và Serbe để tìm kiếm sự diễn tả chính xác nhất ý đồ của ông trong thang ngôn ngữ. Không mấy ngạc nhiên khi bản nhạc bị lãng quên của Duke Ellington On a Turquoise Cloud được ông giới thiệu để kết thúc album của mình.

Đối với tác phẩm này, ông đã giản lược sự kết hợp của ban nhạc lớn và giọng ca bằng tiếng đàn piano cũng như vinh danh một nhà soạn nhạc đã xem âm nhạc như công cụ hữu ích nhất gắn kết con người với văn hóa. Một mong muốn mà qua tiếng đàn của Bojan Z không lạ kì chút nào.

Bắt tay với jazz ngoại không chỉ nhằm “chiêu đãi” đôi tai của khán giả Việt mà còn giúp các nghệ sĩ jazz nước nhà có nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác với jazz quốc tế tạo nên một sân chơi nghệ thuật thực sự đẳng cấp. Nói gì thì nói, “sang chảnh” là yếu tố tạo nên chất riêng của jazz.         

Kiều Trang



Ý kiến của bạn