Hà Nội

Italia sẽ rơi vào bất ổn?

04-03-2018 10:48 | Quốc tế
google news

SKĐS - Gần 50 triệu cử tri Italia hôm Chủ nhật 4/3 đã đi bỏ phiếu để bầu ra Quốc hội mới gồm 630 nghị sĩ và qua đó lập ra một Chính phủ mới để điều hành đất nước.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng kết quả cuộc tổng tuyển cử này sẽ khiến tình hình Italia thêm rối ren. Còn EU thì “phập phồng” lo sợ về kết quả cuộc bỏ phiếu này.

Cuộc tổng tuyển cử hôm 4/3 được cho là thước đo cho sự ổn định trong nước và kết quả có thể tác động tới sự ổn định của châu Âu. Giáo sư Matteo Luigi Napolitano chuyên gia về đối ngoại và lịch sử quốc tế thuộc Đại học Molise, Italia cho biết theo luật bầu cử mới (có tên gọi là "Rosatellum")  được thông qua vào cuối tháng 10/2017, cuộc bỏ phiếu ngày 4/3 được áp dụng hai hình thức bầu chọn khác nhau. Theo đó, 37% số nghị sĩ ở cả hai viện sẽ được bầu phổ thông theo danh sách ứng cử viên. Số còn lại được bầu theo danh sách các chính đảng. Một điểm mới khác là luật cho phép các chính đảng liên minh với nhau trước bầu cử, và liên minh các chính đảng phải giành được ít nhất 10% số phiếu bầu mới có ghế tại quốc hội, trong khi mức này đối với các đảng đơn lẻ là 3%.

Áp phích giới thiệu các ứng cử viên trên khắp các đường phố Italia

Áp phích giới thiệu các ứng cử viên trên khắp các đường phố Italia

Với luật bầu cử mới này, giới phân tích cho rằng sẽ rất khó có đảng nào có thể giành được đa số phiếu đủ để tự đứng ra thành lập chính phủ. Do đó, việc thành lập chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử ngày 4/3 là một phương án khả thi. Hiện, có nhiều kịch bản đặt ra sau bầu cử Italia. Thứ nhất, đảng Phong trào 5 Sao (M5S) sẽ giành được nhiều phiếu bầu, nhưng không đủ để đảng này giành quyền thành lãnh đạo. Trong khi đó, lãnh đạo M5S cũng đã tuyên bố rõ rằng họ không có ý định liên minh với bất kỳ đảng nào khác, mà chỉ hoan nghênh sự hỗ trợ "bên ngoài". Vì vậy, nếu M5S giành chiến thắng sẽ rất khó để Italia thành lập được một chính phủ. Thứ hai, liên minh cánh hữu do đảng FI của ông Berlusconi dẫn đầu dự kiến sẽ giành được nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc bầu cử sắp tới, nhưng vẫn không đủ đa số cần thiết để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ. Còn Liên minh cánh tả, trong đó giữ vai trò chủ chốt là đảng Dân chủ của 3 chính trị gia đã và đang làm Thủ tướng Italia là các ông Matteo Renzi, Enrico Letta và Paolo Gentiloni có khả năng giành phiếu nhưng vẫn không quá bán. Do luật bầu cử Italia rất phức tạp và việc thăm dò dư luận bị cấm tiến hành 2 tuần trước bầu cử nên đến sát thời điểm bỏ phiếu, các phân tích đều nhận định đây là cuộc tuyển cử có quá nhiều ẩn số và kịch bản khó lường.

Điều gì sẽ xảy ra?

Đối với Liên minh châu Âu, nếu Liên minh cánh tả không giành được quyền thành lập chính phủ mới, đó sẽ là một cơn ác mộng. Bởi Italia là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu và là cửa ngõ để châu Âu ngăn chặn làn sóng tị nạn nên bế tắc chính trị tại Italia chắc chắn sẽ tác động xấu đến cả khối. Trên thực tế, nếu kịch bản Liên minh cánh tả của Thủ tướng Paolo Gentiloni tiếp tục nắm giữ quyền lực, đây là tín hiệu tốt nhất đối với EU bởi cá nhân ông Gentiloni và đảng Dân chủ Italia nhận được sự ủng hộ lớn từ các nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Tuy nhiên, đây lại là kịch bản ít khả thi.

Trong bối cảnh đảng Phong trào 5 sao M2S hay Liên minh cánh hữu của cựu Thủ tướng Berlusconi giành quyền thành lập chính phủ, EU sẽ lâm vào tình thế bất lợi. Bởi đây là 2 đảng có tư tưởng bài EU và đi theo xu hướng dân túy. Khi được hỏi về chủ nghĩa dân túy ở Italia và những nguy cơ mà chủ nghĩa dân túy có thể gây ra cho Italia và châu Âu, giáo sư Napolitano cho rằng chủ nghĩa dân túy ở Italia là một "giai điệu" lặp đi lặp lại trong nền chính trị nước này, với những cam kết phi thực tế trong các chiến dịch tranh cử. Người dân Italia dù hiểu những cam kết này là không thể thực hiện được, nhưng vẫn mong muốn 1 sự thay đổi. Trong khi đó, châu Âu nói chung lại không hiểu rằng những cam kết này được đưa ra là nhằm cho các mục đích vận động tranh cử, chứ không phải là hoạt động chính trị thực sự.

Dư luận hiện đang tỏ ra quan ngại trước khả năng thắng thế của đảng dân túy M5S trong cuộc tổng tuyển cử hôm 4/3. Phong trào dân túy ở nhiều nước thời gian qua tuy chưa đủ sức trỗi dậy mạnh mẽ nhưng vẫn đang phát triển ở châu Âu. Lo ngại trước sự trở lại của chủ nghĩa Dân túy, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani  mới đây đã phải lên tiếng kêu gọi cử tri Italia ủng hộ các đảng trung tả như đảng Dân chủ, chứ không nên bỏ phiếu cho các đảng dân túy chủ trương chống nhập cư, hoài nghi châu Âu như M5S hoặc LN. Theo ông Tajani, EU cần “một Italia mạnh mẽ”, có những ý tưởng và chính sách mang lại lợi ích cho châu Âu, chứ không phải một Italia đầy hoài nghi và chống lại các giá trị của EU.

Cựu Thủ tướng Italia Renzi trước đám đông người ủng hộ

Cựu Thủ tướng Italia Renzi trước đám đông người ủng hộ

Còn trong một diến biến mới nhất, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cảnh báo thị trường tài chính khu vực sẽ chao đảo sau bầu cử tại Italia, đồng thời cho biết Brussels đã chuẩn bị cho một kịch bản tồi tệ nhất. Phát biểu tại một sự kiện của nhóm chuyên gia cố vấn CEPS ở Brussels, ông Juncker cho rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ phải trải qua "một tuần rất quan trọng" do tác động đồng thời của kết quả bầu cử tại Italia và việc thành lập chính phủ liên minh tại Đức sẽ ngã ngũ cùng ngày 4/3 khi kết quả cuộc trưng cầu ý kiến các đảng viên trong đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) về việc liên minh cầm quyền với liên đảng bảo thủ được công bố. Theo ông, một loạt những bất trắc tại Italia, Đức và nhiều nước khác có thể gây một phản ứng mạnh trên các thị trường chứng khoán trong tuần thứ hai của tháng 3. Kịch bản tồi tệ nhất mà ông Juncker đề cập tới là “có thể sẽ không có một chính phủ sẵn sàng hành động tại Italia".


Nhật Quang (Theo BBC, AP, RFI)
Ý kiến của bạn
Tags: