Đối trọng mới của Kế hoạch hòa bình Trung Đông
Theo kế hoạch được Israel công bố, vào đầu tháng 7 tới, Israel có kế hoạch sáp nhập hơn 30% diện tích các vùng đất tại Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan, cũng như áp đặt chủ quyền đối với các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây. Kế hoạch này đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Palestine và cộng đồng quốc tế. Thực chất bản kế hoạch này nằm trong bản “Thỏa thuận thế kỷ” của Mỹ về Trung Đông nên dù không nói ra nhưng nó nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ nước Mỹ.
Ngay sau đó, Chính quyền Palestine tuyên bố chấm dứt Hiệp định hòa bình Oslo ký năm 1993 giữa Chính phủ Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), bao gồm mọi thỏa thuận hợp tác an ninh và các quan hệ dân sự với Israel, thậm chí là Palestine sẽ ngừng công nhận Israel.
Kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel nhận nhiều chỉ trích của cộng đồng quốc tế
Mới đây, trong khi kế hoạch sáp nhập của Israel nhận nhiều chỉ trích và “ngập” trong hoài nghi của nhiều quốc gia, Palestine đã trình lên nhóm Bộ Tứ Trung Đông gồm Hội đồng bảo an LHQ, Liên minh châu Âu (EU), Nga và Mỹ một đề xuất mới được coi là “đối trọng” với bản đề xuất của Mỹ về Trung Đông. Theo đó, nếu Israel sáp nhập một phần Bờ Tây, chính quyền Palestine sẽ tuyên bố thành lập một nhà nước của người Palestine dựa trên đường biên giới đình chiến trước thời điểm nổ ra cuộc Chiến tranh 6 ngày năm 1967. Ông đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế thừa nhận nhà nước mới này.
Giải pháp sáp nhập có phải là “lời giải” cho cuộc khủng hoảng ở Trung Đông?
Tuy nhiên ý định “vẽ lại bản đồ” Trung Đông của Israel lại nhận nhiều sự chỉ trích, trong đó có cả một số đồng minh thân cận của Israel như Đức. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết, việc Israel đơn phương “vẽ lại bản đồ Trung Đông sẽ phá hủy mọi hy vọng còn sót lại về việc thành lập nhà nước Palestine và đạt được thỏa thuận hòa bình khu vực. Đức và các đối tác châu Âu quan ngại sâu sắc về kế hoạch sáp nhập của Israel đối với các vùng bị chiếm đóng ở khu Bờ Tây. Đức cho rằng, việc sát nhập này là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Thay vào đó, cả Đức và EU ủng hộ việc tái khởi động các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine về giải pháp hai nhà nước.
Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh
Tại Anh, nhiều nghị sĩ, các đảng chính trị đã kêu gọi Chính phủ Anh ngăn chặn ý định sáp nhập của Israel, bằng các hành động cụ thể như chấm dứt buôn bán vũ khí với Israel.
Về phần mình Thủ tướng Palestine ông Mohammed Shtayyeh, người Palestine nhận định, không ai có thể chấp nhận việc sáp nhập này, vì nó là mối đe dọa thường trực. Ông Shtayyeh cho rằng, có 4 trụ cột của nhà nước Palestine, gồm Gaza, Jerusalem, Khu A, B, C và Bờ Tây – thung lũng Jordan. Vì thế, việc sáp nhập của Israel đồng nghĩa với hủy hoại tương lai nhà nước của người Palestine.
Trong một thăm dò mới đây được tiến hành bởi Viện Midgam cho thấy có tới 41,7% người Israel phản đối kế hoạch sáp nhập 30% diện tích Bờ Tây , trong khi chỉ có 32,2% số người ủng hộ kế hoạch này. Đáng chú ý , gần một nửa số người được hỏi (47,9%) cho rằng việc sáp nhập se làm giảm cơ hội đạt được thỏa thuận hòa bình với người Palestine.
Việc sáp nhập Bờ Tây được coi là mục tiêu mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hướng đến để thực hiện lời hứa với cử tri trong chiến dịch tranh cử của mình trước đó. Tuy nhiên trong cuộc thăm dò ý kiến người dân Israel qua điện thoại và internet thực hiện hồi đầu tháng 6 cho thấy, mối quan tâm của người Israel hiện nay không phải là việc sáp nhập mà là vấn đề phục hồi nền kinh tế, chuẩn bị cho làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai, vấn đề chống khủng bố và an ninh đứng thứ 3 và mong muốn Chính phủ giải quyết được nạn tham nhũng xếp ở hàng thứ 4.
Không giống quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, việc sáp nhập này có thể làm sâu sắc cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, bạo lực sẽ leo thang, nhiều nhóm vũ trang ở Palestine đang chuẩn bị những kế hoạch lớn nhằm đối phó với Israel ở khu vực này. Thậm chí cuộc khủng hoảng có thể lan ra khắp khu vực….