Israel 'vá' lỗ hổng Iron Dome bằng pháo cổ và vũ khí tương lai

24-05-2025 08:33 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ máy bay không người lái (UAV), Israel tăng cường phòng không tầm thấp bằng cả pháo cũ và công nghệ laser mới.

Gần đây, Israel đã quyết định tái kích hoạt Tiểu đoàn Phòng không 946, đơn vị từng ngừng hoạt động từ năm 2003. Động thái này nhằm ứng phó với các cuộc tấn công UAV liên tục từ khu vực phía bắc, đặc biệt từ Hezbollah ở Lebanon kể từ tháng 10/2023.

Israel 'vá' lỗ hổng Iron Dome bằng pháo cổ và vũ khí tương lai- Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome của Israel ở phía nam sa mạc Negev, ngày 14/4/2024. (Nguồn: Getty Images)

Tiểu đoàn này từng vận hành hệ thống tên lửa tầm ngắn MIM-72 Chaparral sử dụng tên lửa AIM-9 Sidewinder phóng từ mặt đất. Tuy nhiên, lần trở lại này nhiều khả năng sẽ tập trung vào pháo tự hành M163 Vulcan, một loại pháo xoay sáu nòng từng được Israel sử dụng rộng rãi trong thập niên 1990.

Israel cũng đang xem xét lắp đặt các khẩu pháo Vulcan này lên xe bọc thép chở quân, giúp tăng tính cơ động và khả năng phòng thủ tầm gần. Phiên bản nâng cấp mà Israel từng phát triển có tên là "Machbet", được trang bị cả pháo Vulcan và tên lửa phòng không FIM-92 Stinger.

Việc sử dụng các hệ thống cũ như Vulcan được xem là một giải pháp thực tế để đối phó UAV bay thấp, điều mà hệ thống Iron Dome (Vòm sắt) nổi tiếng không phải lúc nào cũng xử lý hiệu quả. Một số UAV bay sát mặt đất từng vượt qua được mạng lưới radar của Iron Dome, gây ra thương vong cho phía Israel.

Trong bối cảnh này, bài học từ Ukraine trở nên rõ ràng. Kể từ cuối năm 2022, Ukraine đã phải đối mặt với các đợt tấn công UAV gần như mỗi ngày và buộc phải tìm ra những giải pháp tiết kiệm, hiệu quả, bao gồm các hệ thống pháo phòng không di động gắn trên xe tải.

Trước khi xung đột ở Trung Đông bùng phát vào tháng 10/2023, Ukraine đã từng đề nghị hợp tác với Israel để chia sẻ kinh nghiệm chống UAV, đồng thời cảnh báo rằng các loại UAV của Nga như Shahed-136, rồi cũng sẽ đe dọa đến Israel.

Cảnh báo đó đã trở thành hiện thực vào ngày 13/10/2024, khi một đợt tấn công bằng UAV từ Hezbollah khiến 4 binh sĩ Israel thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Đại sứ Ukraine tại Israel Yevgen Korniychuk, đã lên tiếng nhắc lại lời cảnh báo của mình, cho rằng Israel cần sớm hợp tác quốc tế để ứng phó với các mối đe dọa hiện đại.

Việc tái triển khai pháo Vulcan không chỉ giúp lấp đầy khoảng trống mà Iron Dome để lại khi đối phó UAV bay thấp, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Trong khi mỗi tên lửa đánh chặn Tamir của Iron Dome tiêu tốn hàng chục nghìn USD, thì đạn pháo rẻ hơn rất nhiều, phù hợp để đối phó với các mục tiêu nhỏ, rẻ tiền như UAV.

Lịch sử cũng từng chứng minh rằng các vũ khí cũ, nếu được sử dụng đúng cách, vẫn có thể mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc.

Trong Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973, hệ thống Chaparral từng bắn rơi một tiêm kích MiG-17 của Syria. Năm 1982, tên lửa MIM-23 Hawk do Israel cải tiến đã hạ một chiếc MiG-25 bay ở độ cao 21 km với vận tốc Mach 2,5.

Gần đây hơn, ngày 2/5, Ukraine thông báo UAV Magura-7 đã bắn hạ hai chiếc tiêm kích Su-30 bằng tên lửa AIM-9.

Mặc dù các hệ thống như Chaparral và Hawk khó có khả năng tái xuất, nhưng Vulcan có thể trở thành một mắt xích quan trọng trong lớp phòng không tầm thấp, bảo vệ các đơn vị quân đội và thiết giáp khỏi UAV.

Song song với việc hồi sinh vũ khí cũ, Israel cũng sắp ra mắt một công nghệ hoàn toàn mới: hệ thống phòng không laser Iron Beam. Dự kiến được đưa vào hoạt động cuối năm 2025, Iron Beam sử dụng chùm tia laser công suất 100 kilowatt để bắn hạ tên lửa tầm ngắn, UAV và tên lửa hành trình. Không giống Iron Dome, Iron Beam gần như không có giới hạn về số lần đánh chặn và chi phí cho mỗi lần bắn chỉ là… vài xu.

Iron Beam sẽ không thay thế Iron Dome mà hoạt động song song, tạo thêm một lớp phòng thủ tiết kiệm nhưng hiệu quả. Ông Daniel Gold, người đứng đầu chương trình nghiên cứu quân sự của Israel, khẳng định: "Kết hợp đánh chặn bằng laser và tên lửa sẽ tăng cường đáng kể khả năng bảo vệ trước rocket, UAV, tên lửa hành trình và nhiều mối đe dọa khác".

Israel có thể mua tên lửa Tomahawk từ Mỹ dưới thời Tổng thống Trump?Israel có thể mua tên lửa Tomahawk từ Mỹ dưới thời Tổng thống Trump?

SKĐS - Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump từng mạnh tay nới lỏng các quy định xuất khẩu vũ khí, viễn cảnh Israel tiếp cận được tên lửa hành trình Tomahawk, trở nên thực tế hơn bao giờ hết.


Xuân Minh
(Theo Forbes)
Ý kiến của bạn