Hà Nội

Israel - Palestine tiếp tục đẩy cao căng thẳng, các bên nỗ lực kêu gọi kiềm chế

16-05-2021 11:33 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tại Gaza, theo thống kê mới nhất, ít nhất 139 người đã thiệt mạng, trong đó có 39 trẻ em. Khoảng 1 nghìn người ở Gaza bị thương do các vụ không kích của Israel. Trong khi đó, phía Israel cũng ghi nhận ít nhất 9 trường hợp tử vong, trong đó có cả trẻ em, từ đầu tuần tới nay.

Theo truyền thông Israel, một quả rocket do các tay súng Hamas phóng đã lọt qua hệ thống phòng thủ "Vòm sắt" của Israel rơi trúng một bể trữ dầu tại cảng Ashdod và gây ra vụ nổ lớn vào ngày 15/5. 

Đây là lần thứ 2 một bể dự trữ dầu tại cảng Ashdod và nhà máy lọc dầu lân cận bị rocket đánh trúng kể từ khi giao tranh quyết liệt giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas của người Palestine bùng phát từ hôm 10/5.

Chiều 15/5 (theo giờ địa phương), tiếng còi báo động tiếp tục vang lên trên khắp thành phố Tel Aviv và các vùng lân cận khi lực lượng Hamas bắn nhiều rocket vào khu vực này. 

Hệ thống phòng thủ Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel đã kích hoạt tên lửa  để đánh chặn. Tuy nhiên, vẫn có một quả tên lửa bắn trúng trung tâm thành phố Ramat Gan, thuộc vùng Tel Aviv, khiến một xe ô tô tại phố Herzl bốc cháy và một người ngồi trong xe thiệt mạng. Một vật thể bay khác cũng được ghi nhận là đã đáp xuống cánh đồng vắng người ở khu vực Rishon Lezion gần Tel Aviv.

Trong khi đó, quân đội Israel đáp trả với hàng loạt vụ không khích vào các mục tiêu ở Dải Gaza. Chiều 15/5, truyền thông Trung Đông đưa tin rằng Các lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã bắn tên lửa khiến một tòa nhà văn phòng ở Dải Gaza, trong đó có văn phòng hãng tin AP, Al-Jazeera và một số hãng truyền thông khác bị sập.

 Cư dân địa phương cho hay những người trong tòa nhà đã được phía Israel cảnh báo trước và họ đã sơ tán trước khi xảy ra vụ tấn công. Các hình ảnh trên truyền hình cho thấy toàn bộ tòa nhà đã bị đổ sập.

Trước tình hình căng thẳng tại Trung Đông, ngày 15/5, các hãng hàng không Etihad Airways và Flydubai của Các Tiểu vương quốc Arab thông nhất (UAE) đã hủy các chuyến bay tới Tel Aviv. Trước đó, các hãng hàng không của Mỹ và châu Âu cũng đã chuyển hướng các chuyến bay qua Israel.

Hiện giới chức Mỹ, Ai Cập, và Qatar đang cố gắng làm trung gian hòa giải. Dự kiến, hôm nay (16/5), Đặc phái viên Mỹ Hady Amr sẽ gặp mặt các quan chức Israel và Palestine tại Jerusalem và vùng Bờ Tây.

Ngày 15/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm. Thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết, ông Netanyahu đã cảm ơn nhà lãnh đạo Mỹ về sự ủng hộ đối với Tel Aviv, đồng thời nhấn mạnh Israel đang làm mọi cách để bảo vệ dân thường.

Ngoài ra, Thủ tướng Netanyahu cũng giải thích việc Israel tấn công vào các tòa nhà cao tầng tại Dải Gaza là do đây là các địa điểm của phong trào Hamas và cũng đã thông báo để người dân sơ tán.

Cùng ngày, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Mỹ. Tờ Times of Israel dẫn lời Bộ trưởng Chính quyền Palestine Hussein al-Sheikh, một cố vấn thân cận của Tổng thống Abbas, cho hay "hai nhà lãnh đạo đã thảo luận diễn biến tình hình mới nhất". Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Palestine kể từ khi ông Biden lên nắm quyền hồi tháng 1/2021.

Ngày 15/5, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã gặp thủ lĩnh chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh, đồng thời kêu gọi Israel chấm dứt cuộc tấn công vào Dải Gaza. Trong một tuyên bố do QNA đăng tải, Ngoại trưởng Al-Thani nhấn mạnh: "Cộng đồng quốc tế phải hành động khẩn cấp để chấm dứt các cuộc tấn công liên tục của Israel nhằm vào dân thường ở Dải Gaza và đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa (Jerusalem)". Ông Al-Thani cũng cam kết với nhà lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh về sự ủng hộ của Qatar đối với "những người anh em Palestine".
Qatar là quốc gia quan trọng ủng hộ phong trào Hamas, cung cấp viện trợ và các khoản vay cho Dải Gaza, vốn đang bị Israel phong tỏa, đồng thời đóng vai trò trung gian hòa giải với Israel.

Dự kiến, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cũng sẽ nhóm họp trong hôm nay (16/5) để thảo luận về tình trạng bạo lực tại Dải Gaza.

 Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 15/5, Bộ Ngoại giao Áo thông báo Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã hủy chuyến công du tới nước này nhằm thể hiện sự bất bình đối với việc chính phủ của Thủ tướng Sebastian Kurz treo quốc kỳ Israel để thể hiện tình đoàn kết với Nhà nước Do Thái.

Theo kế hoạch trước đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif sẽ có cuộc gặp người đồng cấp Áo Alexander Schallenberg. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Áo nêu rõ: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc và đã ghi nhận vấn đề này... Tuy nhiên, đối với chúng tôi, khi Hamas bắn hơn 2 nghìn quả rocket vào các mục tiêu dân sự ở Israel thì chúng tôi không thể tiếp tục làm thinh".

Trước đó, ông Abbas Araqchi - Trưởng phái đoàn hạt nhân của Iran tham dự các cuộc đàm phán ở Vienna, đã chỉ trích hành động trên của Chính phủ Áo, đồng thời nhấn mạnh rằng Tehran "sát cánh cùng người dân Palestine".

Xung đột giữa Israel và Palestine xảy ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) đang được thúc đẩy nhằm nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran và các cường quốc phương Tây đã ký kết năm 2015. Trước đó, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) - ông Josep Borrell cho biết đàm phán để khôi phục JCPOA đang tiến triển, với hy vọng sẽ đạt được đột phá trước khi Iran tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 6 tới. Mỹ đã rút khỏi JCPOA vào năm 2018 - dưới thời Tổng thống Donald Trump - và từ đó Iran cũng bắt đầu giảm bớt việc tuân thủ các điều khoản được nêu trong thỏa thuận.

 

 


Hà Anh
Ý kiến của bạn