Trong khi đó, bất chấp căng thẳng leo thang, quân đội Israel tuyên bố sẽ tiếp tục triển khai thêm binh sĩ tới khu Bờ Tây và tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế vào khu tổ hợp đền thờ linh thiêng an Al Aqsa. Giới phân tích nhận định rất có thể xung đột Israel-Palestine sẽ bùng phát.
Tổng thống Palestin Mahmoud Abbas hôm thứ 6 tuyên bố ngừng mọi liên lạc với Israel sau những tranh cãi liên quan đến các biện pháp an ninh do Israel triển khai tại khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem. Căng thẳng gia tăng tại Bờ Tây sau khi 3 người Hồi giáo là công dân Israel nổ súng vào cảnh sát Israel ở gần cổng đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem, khiến 2 cảnh sát thiệt mạng. Sau vụ tấn công, nhà chức trách Israel ra lệnh tạm thời đóng cửa khu thánh địa trong 2 ngày. Tuy nhiên dưới sức ép của các nước khu vực và phía Palestine, ngày 16/7, Israel đã cho mở cửa lại đền thờ này. Đầu tuần này, Israel cho lắp đặt máy dò kim loại tại các cổng vào. Bước đi này của Israel đã làm dấy lên các cuộc biểu tình và xung đột giữa người Palestine và cảnh sát Israel.
Một đền thờ ở Đông Jerusalem, nơi xảy ra xung đột giữa Palestine và Israel
Tình hình trở nên nguy hiểm khi riêng trong ngày 21/06, bạo lực tại Bờ Tây làm 3 người Israel và 3 người Palestine thiệt mạng. Tối 22/7, Liên minh châu Âu (EU) đã "khuyến khích Israel và Jordan cùng hợp tác để tìm ra giải pháp duy trì an ninh cho tất cả người dân ở thành phố cổ Jerusalem" sau các vụ đụng độ bạo lực xảy ra trong những ngày vừa qua. Ai Cập và Jordan ngày 22/7 đã thảo luận các biện pháp có thể được áp dụng sau các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Israel và người biểu tình Palestine tại khu vực đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa. Ngoại trưởng Ai CậpSameh Shoukry và Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi đã điện đàm nhằm thảo luận về "những vi phạm nguy hiểm chống lại người Palestine của các lực lượng chiếm đóng Israel". Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ông Erdogan cho rằng việc Israel áp đặt những hạn chế mới, trong đó có việc đặt các cổng từ an ninh ở lối vào khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa là "không thể chấp nhận được". Trong một diễn biến mới nhất, Liên hợp quốc và Mỹ kêu gọi các bên kiềm chế, sớm đưa ra giải pháp cho cuộc xung đột. HĐBA LHQ sẽ nhóm họp vào ngày 25/7 tới để thảo luận về căng thẳng giữa Israel và Palestine.
Bất chấp sức ép quốc tế kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp an ninh tại khu đền thờ Jerusalem, giới chức an ninh Israel hôm 22/7 vẫn quyết định tiếp tục giữ nguyên các biện pháp để ngăn chặn hoạt động đưa vũ khí vào khu vực đền thờ.
Giới phân tích cho rằng điểm mấu chốt để giải quyết xung đột hiện nay là các bên phải ngồi vào bàn đàm phán. Đồng thời, tất cả các nhà lãnh đạo chính trị, các lãnh đạo tôn giáo và đại diện cộng đồng cùng phải đóng vai trò trách nhiệm trong việc khôi phục lại tình hình và tránh gây ra bất kỳ hành động hay tuyên bố nào có thể thổi bùng ngọn lửa căng thẳng giữa các bên.
Một bệnh viện dã chiến thiết lập tại Jerusalem sau các vụ đụng độ
Còn giới phân tích khu vực nhận định, cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Đông Jerusalem có thể là ngọn lửa làm thổi bùng xung đột, dẫn đến những hậu quả không kiểm soát được. Thực tế, các sự cố đụng độ giữa Israel và Palestine tại Bờ Tây không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là bất đồng phát sinh trong bối cảnh nhiều người dân Palestine đang quá thất vọng với các nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình Trung Đông không đạt kết quả.
Các nước Hồi giáo và chính phủ Palestine cáo buộc việc Israel sử dụng các biện pháp an ninh cứng rắn là một phần trong “mưu đồ” của Ten Aviv nhằm kiểm soát hoàn toàn khu đền thờ Hồi giáo linh thiêng này. Ông Ibrahim Abrash- một chuyên gia phân tích chính trị Gaza nhận định mục tiêu của Israel là kiểm soát khu đền thờ Al-Aqsa, qua đó thực hiện chiến lược lớn hơn nữa là kiểm soát khu Đông Jerusalem và toàn bộ Bờ Tây. Nếu không có sức ép buộc hai bên phải nhượng bộ, sẽ có nhiều khả năng biến thành xung đột.
Trong một tuyên bố hôm 22/7, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutteres bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bất ổn tại khu vực Đông Jerusalem đồng thời nêu rõ, các địa điểm tôn giáo phải được tôn trọng chứ không phải là nơi tranh giành chủ quyền và bạo lực.