Đây là một động thái trong chuỗi hợp tác chặt chẽ giữa hai nước nhằm ứng phó với những căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, chính quyền Washington đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tới Israel nhằm bảo vệ đồng minh trước khả năng Iran đáp trả.
Các cuộc không kích của Israel được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu nội bộ giữa các quan chức an ninh Israel chỉ vài giờ trước khi chiến dịch bắt đầu.
Theo nguồn tin từ Văn phòng Thủ tướng Israel, các mục tiêu không kích chủ yếu tập trung vào các địa điểm quân sự có nguy cơ gây ra mối đe dọa đối với Israel.
Israel đã xác nhận chiến dịch diễn ra vào sáng sớm 26/10 (giờ địa phương), với mục tiêu nhằm vào những cơ sở quân sự tại Iran, không bao gồm các cơ sở hạ tầng năng lượng.
Được biết, trong suốt nhiều tuần trước khi diễn ra sự kiện này, nội các an ninh Israel đã có các cuộc thảo luận kỹ lưỡng, đồng thời tham khảo ý kiến từ phía Mỹ.
Các cuộc tham vấn bao gồm cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó Israel cam kết chỉ tập trung vào các mục tiêu quân sự, không tấn công vào các cơ sở dầu mỏ hay hạt nhân của Iran.
Theo các nguồn tin quân sự Israel, cuộc không kích hoàn toàn do Israel thực hiện, tuy nhiên, nước này vẫn duy trì một mức độ hợp tác phòng thủ chặt chẽ với Mỹ, nhất là trong lĩnh vực phòng không.
Truyền thông Iran, bao gồm các hãng tin Fars và Tasnim, đưa tin một số căn cứ quân sự ở khu vực phía tây và phía nam Tehran đã bị tấn công, nhưng cho biết các cơ sở quan trọng khác như nhà máy lọc dầu và sân bay quốc tế vẫn hoạt động bình thường.
Đài truyền hình nhà nước Iran cũng khẳng định, các sân bay lớn tại Tehran vẫn hoạt động đúng lịch trình và không bị ảnh hưởng bởi cuộc không kích.
Cho đến thời điểm này, phía Iran vẫn chưa có phản hồi chính thức về các cuộc tấn công.