Từ trước đến nay, Mỹ luôn tỏ ra thận trọng trong việc xuất khẩu loại vũ khí này. Trong nhiều thập kỷ, Israel đã nhiều lần đề nghị mua Tomahawk nhưng đều bị từ chối.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG 52) của Hải quân Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk trong hỗ trợ Chiến dịch Odyssey Dawn, ngày 29/3/2011, từ Biển Địa Trung Hải. (Nguồn: Getty Images)
Ngày 9/4, chính quyền ông Trump ban hành sắc lệnh đơn giản hóa quy trình xuất khẩu vũ khí, với tuyên bố rằng Mỹ cần hỗ trợ hiệu quả hơn cho các đồng minh chiến lược.
Bên cạnh đó, Washington cũng điều chỉnh cách áp dụng các quy định trong "Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa" (MTCR), vốn hạn chế xuất khẩu các loại tên lửa và thiết bị bay không người lái có tầm bắn vượt 300 km và tải trọng trên 500 kg.
Trong suốt nhiều năm, Anh là quốc gia duy nhất được Mỹ bán Tomahawk. Tuy nhiên, cục diện này đã thay đổi nhanh chóng.
Tháng 12/2024, Australia lần đầu phóng thử Tomahawk từ tàu chiến. Hà Lan cũng thử nghiệm phóng Tomahawk từ khinh hạm vào tháng 3 và ký hợp đồng trị giá 2,19 tỷ USD để mua 175 quả. Trước đó, vào đầu năm 2024, Nhật Bản đã đặt mua 400 tên lửa Tomahawk.
Trong xu thế Mỹ mở rộng thị trường vũ khí cho các đồng minh, khả năng Israel, một trong những đối tác thân cận nhất của Washington, tiếp cận Tomahawk là điều hoàn toàn có cơ sở.
Trên thực tế, từ năm 1996 và một lần nữa vào năm 2000, Israel từng đề xuất mua loại tên lửa này trong khuôn khổ một thỏa thuận hòa bình tiềm năng với Syria, bao gồm cả việc hoàn trả Cao nguyên Golan. Tuy nhiên, khi thỏa thuận đổ vỡ, Israel chuyển hướng sang phát triển năng lực tên lửa nội địa.
Kết quả là họ chế tạo tên lửa hành trình Delilah-GL phóng từ mặt đất, có tầm bắn khoảng 290 km, ngắn hơn nhiều so với Tomahawk (có thể tấn công mục tiêu cách xa 1.600 km với đầu đạn 450 kg). Sau đó, Israel tiếp tục phát triển các loại tên lửa đạn đạo phóng từ máy bay (ALBM), được thiết kế để phù hợp với giới hạn của MTCR nhằm phục vụ cho mục đích xuất khẩu.
Về mặt chiến lược, Israel hiện có trong tay tên lửa đạn đạo tầm xa Jericho, được cho là mang đầu đạn hạt nhân và chỉ dành cho nhiệm vụ răn đe, không sử dụng trong các chiến dịch quân sự thông thường. Song, điều mà Israel vẫn thiếu là một phương tiện tấn công tầm xa, chính xác như Tomahawk hoặc Kalibr của Nga.
Nhu cầu này càng trở nên rõ ràng sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của lực lượng Houthi nhằm vào Tel Aviv hồi tháng 7/2024. Để đáp trả, không quân Israel phải huy động tiêm kích tàng hình F-35I và máy bay tiếp dầu thực hiện chiến dịch "Outstretched Arm", bay hơn 1.800 km.
Những chiến dịch xa như vậy làm dấy lên câu hỏi: Vì sao Israel vẫn chưa sở hữu một loại vũ khí tấn công tầm xa, chính xác, ít rủi ro hơn?
Tờ Jerusalem Post từng đặt vấn đề: "Một loại tên lửa như Tomahawk có thể giúp Israel tấn công các mục tiêu xa mà không cần điều động cả phi đội máy bay, đặc biệt trong bối cảnh xung đột trên nhiều mặt trận".
Từ năm 2018, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman đã nhiều lần kêu gọi thành lập lực lượng tên lửa mặt đất độc lập để giảm sự phụ thuộc vào không quân. Thế nhưng, thay vì đầu tư vào tên lửa đất đối đất (SSM), Israel lại ưu tiên phát triển các loại ALBM trang bị cho không quân, như đã thể hiện trong hai đợt không kích vào các mục tiêu chiến lược bên trong Iran vào tháng 4 và tháng 10/2024.
Về năng lực hải quân, Israel từng trang bị tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm Popeye Turbo, một sản phẩm nội địa được phát triển, sau khi Mỹ từ chối bán Tomahawk vào năm 2000. Dù vậy, rất ít thông tin được công khai về loại tên lửa này. Nhiều ý kiến cho rằng nó có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ răn đe hạt nhân tương tự như tên lửa Jericho.
Nếu Israel tiếp tục theo đuổi Tomahawk, mục đích có thể không nằm ở triển khai trên biển. Hiện tại, Mỹ đã phát triển biến thể Tomahawk có thể phóng từ bệ phóng mặt đất thuộc hệ thống Typhon ( Hỏa lực tầm trung chiến lược – SMRF). Hệ thống này có khả năng phóng cả Tomahawk và tên lửa phòng không tầm xa SM-6, có thể phá hủy tên lửa, máy bay, cũng như các mục tiêu mặt đất.
Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Israel sẽ mua hệ thống Typhon, dù khả năng họ hoan nghênh việc Mỹ triển khai hệ thống này trên lãnh thổ Israel là có thật. Trong khi những người như ông Lieberman ủng hộ việc sở hữu tên lửa mặt đất, quân đội Israel vẫn coi không quân là lực lượng chủ lực cho các chiến dịch tấn công.
Đồng thời, những kinh nghiệm từ hệ thống Patriot khiến Israel ngày càng hướng tới phát triển hệ thống phòng không nội địa, thay vì phụ thuộc vào các giải pháp nhập khẩu.
Vì vậy, nhiều khả năng Israel sẽ tiếp tục đầu tư vào chương trình phát triển hệ thống đánh chặn Arrow thế hệ mới, cũng như hệ thống phòng thủ laser Iron Beam để đối phó hiệu quả với các mối đe dọa tầm gần.
Câu hỏi vẫn còn đó: Vì sao một quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến như Israel, đến nay vẫn chưa sở hữu một loại tên lửa như Tomahawk, hay tự phát triển một biến thể tương đương cho riêng mình?