Con tàu được cho là chở khoảng 100 container chứa thiết bị quân sự, bao gồm máy bay không người lái (UAV), UAV trên biển và đạn dược.

Bệ phóng tên lửa đạn đạo Iskander-M. (Nguồn: MW)
Theo thông báo chính thức, cuộc tấn công được thực hiện bởi các kíp chiến đấu thuộc hệ thống Iskander, nhắm vào cả tàu container đang cập cảng và một nhà kho chứa hàng quân sự gần đó. Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng, vụ tấn công đã gây ra các vụ nổ thứ cấp từ số đạn dược trên tàu, cũng như gây cháy lớn tại khu vực cầu cảng.
Iskander-M là một trong những vũ khí chủ lực của Nga kể từ khi cuộc xung đột toàn diện tại Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022.
Loại tên lửa đạn đạo này được sử dụng để tấn công nhiều mục tiêu chiến lược, từ căn cứ phòng không, sân bay đến các điểm tập trung lực lượng quân sự. Kể từ đầu năm 2023, việc mở rộng sản xuất dòng tên lửa 9K720 đã giúp tăng mạnh nguồn cung cho quân đội Nga, qua đó gia tăng tần suất triển khai Iskander-M trong chiến sự.
Việc sử dụng Iskander-M để tấn công các tàu vận tải trên biển không phải là điều hiếm gặp. Trước đó, vào tháng 10/2024, Nga từng sử dụng loại tên lửa này để đánh trúng tàu hàng Shui Spirit treo cờ Panama khi tàu đang vận chuyển vũ khí từ cảng Constanta (Romania) đến Odessa.
Trong suốt xung đột, Ukraine liên tục nhận được viện trợ quân sự từ các nước phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ. Phần lớn vũ khí được vận chuyển qua biên giới với Ba Lan và Romania. Tuy nhiên, một phần không nhỏ cũng được chuyển bằng đường biển đến các cảng như Odessa, nơi ngày càng trở thành mục tiêu của các đợt tập kích bằng tên lửa và UAV của Nga.
So với các tên lửa hành trình tầm xa như Kh-101 hay Kalibr 3M14T, vốn được dùng để tấn công sâu trong lãnh thổ Ukraine, Iskander-M với tầm bắn ngắn hơn thường được triển khai cho các mục tiêu gần tiền tuyến hoặc ven biển.
Việc Nga tiếp tục sử dụng tên lửa đạn đạo để phá hủy tuyến tiếp tế đường biển có thể cho thấy một chiến lược mới: gia tăng áp lực lên khu vực Odessa, điểm trung chuyển quân sự quan trọng của Ukraine trong thời gian tới.