Hà Nội

ISIS vẫn không ngừng gây tội ác

03-11-2014 08:00 | Quốc tế
google news

Các nguồn tin từ cơ quan an ninh Iraq cho biết, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng đã hành quyết thêm 85 thành viên của bộ lạc Albu Nimr ở tỉnh Anbar của Iraq

Các nguồn tin từ cơ quan an ninh Iraq cho biết, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng đã hành quyết thêm 85 thành viên của bộ lạc Albu Nimr ở tỉnh Anbar của Iraq, nối dài chiến dịch thảm sát mà ISIS bắt đầu hồi tuần trước.

Theo Naeem al-Ga’oud, một trong những thủ lĩnh của bộ lạc Albu Nimr, phiến quân ISIS đã sát hại 50 thành viên của bộ lạc ở làng Ras al-Maa, phía Bắc thủ phủ Ramadi, tỉnh Anbar hôm 31/10. Trong một vụ việc riêng rẽ, một quan chức Iraq cho biết, thi thể của 35 thành viên khác đã được phát hiện tại một ngôi mộ tập thể. “Gần như những vụ thảm sát diễn ra hàng ngày tại khu vực kiểm soát của nhóm ISIS. Người dân sẽ tiếp tục bị giết” - Ủy viên Hội đồng tỉnh Anbar Faleh al-Issawi cho biết. Các thành viên của bộ lạc Albu Nimr đã từ thủ trước sự bao vây của các tay súng IS trong nhiều tuần ở tỉnh Anbar, phía Tây Badgdad. Nhưng khi đạn dược, nhiên liệu và lương thực cạn kiệt, hàng trăm chiến binh bộ lạc đã phải rút lui, thành viên của bộ lạc buộc phải rời bỏ ngôi làng của mình. Hơn 300 người đã bị IS hành quyết kể từ khi cuộc thảm sát bắt đầu hồi tuần trước. Trong khi đó, Liên hợp quốc ngày 1/11 cho biết, chỉ tính riêng tháng 10, ít nhất 1.273 người thiệt mạng, trong đó có 856 dân thường và 417 nhân viên an ninh cùng 2.010 người khác bị thương trong các vụ bạo lực ở Iraq.

Nhà báo Mỹ James Foley - con tin và nạn nhân của ISIS.

Bên cạnh việc thảm sát dân thường, ISIS còn giam giữ tra tấn các con tin để đòi tiền chuộc, đe dọa phương Tây. Người ta đặt câu hỏi về địa ngục bí mật giam giữ những con tin ISIS. Trong số những con tin bị bắt, có 5 người đã bị sát hại, 3 người vẫn bị giam giữ, trong đó có một phụ nữ. Họ là những con tin của các quốc gia từ chối trả tiền chuộc. Theo các nhân chứng, những con tin phương Tây thường xuyên bị đánh đập và dìm đầu vào bể nước tại một loạt hệ thống nhà tù bất hợp pháp do ISIS dựng lên. Để tránh những đòn tra tấn dã man trên, họ tìm cách lấy lại hy vọng trong tôn giáo của đám đao phủ bằng việc cải đạo và lấy tên Hồi giáo. Tại thời điểm nhà báo Mỹ James Foley bị bắt, năm 2012, tổ chức này chưa mạnh. Sau hai năm, trong tay ISIS đã có 20 con tin phương Tây để đòi tiền chuộc. Các vụ bắt cóc ngày càng nhiều do nhiều nhóm khủng bố cạnh tranh tiến hành. Ngoài các địa điểm công cộng như những tiệm cà phê internet, các trạm kiểm soát cũng trở thành những cái bẫy nguy hiểm. Tại đó, đã có 7 công dân phương Tây bị bắt cóc. Những kẻ khủng bố truy cập máy tính của các con tin, tìm hiểu đời tư và bằng chứng chứng minh họ hợp tác với các cơ quan tình báo phương Tây. Ban đầu, các biện pháp tra tấn dã man chưa có mục đích cụ thể nào. Họ bị qua tay nhiều nhóm khác nhau, từ các nhóm nói tiếng Anh sang các nhóm nói tiếng Pháp, theo kiểu thích thì tra tấn.

Cuối năm 2013, ISIS bắt đầu tập trung con tin tại một địa điểm trong một bệnh viện. Ít nhất là 19 người đàn ông ở chung một phòng 20m2 và 4 phụ nữ trong một phòng khác. Tất cả, trừ một người, đều là người châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Cũng từ thời gian này, ISIS đã trở nên khét tiếng. Chúng tạo nên một chế độ quản lý phức tạp kiểu nhà nước, trong đó có một tòa án, lực lượng cảnh sát, thậm chí cả một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng. Cơ quan này đã từng buộc những người bán kebab đóng cửa vì bán hàng kém chất lượng.

Chính nỗi ám ảnh quyền lực này cũng đổ lên đầu những con tin. Sau nhiều tháng không đòi hỏi, đột nhiên, chúng nghĩ tới cách kiếm tiền chuộc. Từ tháng 11/2013, mỗi con tin phải cung cấp cho chúng địa chỉ thư điện tử của một người thân để chúng gửi thư đe dọa. Sau đó, chúng bắt đầu chọn con tin theo việc quốc gia có công dân bị bắt có dễ trả tiền chuộc hay không. Những con tin người Tây Ban Nha được ưu tiên hàng đầu. Ngoài thù hận với nước Mỹ, chúng cũng nhận ra rằng Mỹ và Anh là những nước sẽ không chịu trả tiền chuộc. Các cuộc thương lượng càng kéo dài, điều kiện sống của con tin càng khốn khổ. Hàng ngày, họ chỉ nhận được khoảng một chén thức ăn. Họ chỉ có một tấm chăn mà không có đệm. Một vài con tin tận dụng quần áo cũ kết thành gối. Chật chội, bức bối, đôi khi họ quay sang đánh lộn nhau.

Tổng cộng, có 15 con tin được trả tự do từ tháng 3 tới tháng 6, với số tiền chuộc trung bình khoảng 2 triệu euro. Hiện tại, còn 3 con tin, trong đó có 2 người Mỹ (một nam, một nữ) và một người Anh. ISIS đã thông báo, Kassig - một người Mỹ sẽ là người tiếp theo trên danh sách hành hình.

(Theo AFP, Le Monde)

Quỳnh Anh

 


Ý kiến của bạn