ISIS khiến Trung Ðông ngày càng “ngột ngạt”

12-06-2015 07:00 | Quốc tế

SKĐS - Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) vừa đăng một video quay cảnh tử tù của tổ chức này buộc phải tự đào hố chôn mình trước khi bị bắn chết.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) vừa đăng một video quay cảnh tử tù của tổ chức này buộc phải tự đào hố chôn mình trước khi bị bắn chết. Vụ hành quyết diễn ra tại một địa điểm ở tỉnh Sinai, Ai Cập. Một tù nhân ISIS mặc bộ trang phục màu cam, cầm xẻng đứng giữa hố cát - hố chôn chính mình sau buổi hành quyết. Người này bị ISIS cáo buộc là gián điệp cho Mossad - Cơ quan tình báo Trung ương Israel.

ISIS bắt tử tù phải tự đào hố chôn mình.

Cảnh quay trong video cũng cho thấy, tù nhân ISIS quỳ gối, lẩm bẩm cầu nguyện trong khi phiến quân cầm súng đứng ngay phía sau. Phiến quân thẳng tay bóp cò không chút do dự sau đó sử dụng xẻng lấp đầy phần mộ nạn nhân sau khi xử tử. Chi nhánh ISIS tại Syria là một lực lượng khá mạnh của ISIS. Nhóm này gây ra hàng loạt các vụ đánh bom đẫm máu tại Ai Cập từ đầu năm nay. Tháng trước, ISIS cũng tung một video quay cảnh một người đàn ông bị nghi là gián điệp Syria phải dùng xẻng tự đào hố chôn mình tại sa mạc ở Syria.

Trong một diễn biến khác, hãng BBC phát đi hình ảnh quay tại thành phố lớn thứ hai của Iraq, Mosul cho thấy, một năm sau khi chiếm thành phố này, ISIS kiểm soát cuộc sống hàng ngày của người dân một cách khắc nghiệt. Người dân cho biết, họ đang sống trong nỗi sợ hãi bị trừng phạt theo cách giải thích cực đoan của ISIS về luật Hồi giáo. Theo đó, phụ nữ tại Mosul bị buộc phải mặc trang phục che kín từ đầu tới chân, một phụ nữ đã bị chất vấn, thách thức vì không che cả bàn tay mình.

Một người phụ nữ kể đã không ra khỏi nhà từ khi ISIS chiếm thành phố này. Bà kể được chồng đưa đi ăn nhà hàng và dặn phải đeo khăn che mặt. Khi tới nhà hàng, ông nói bà có thể bỏ ra vì không có sự hiện diện của ISIS vì nhà hàng là nơi dành cho gia đình. Nhưng ngay lập tức chủ nhà hàng đã tới và nói hãy che mặt lại vì các chiến binh ISIS có thể kiểm tra đột xuất và ông nhà sẽ bị đánh bằng roi nếu họ nhìn thấy bà không che mặt.

Người thiểu số cũng bị chèn ép. Các ngôi nhà của cộng đồng người sắc tộc và tôn giáo thiểu số ở Mosul bị ISIS tịch thu. Nhiều khu dân cư từng một thời được các sắc dân thiểu số ưa chuộng nay bị bỏ hoang. Các đền thờ Hồi giáo bị phá hủy. Người dân nói về những hình phạt tàn bạo đối với bất cứ ai làm trái cách giải thích “thánh chiến của luật Hồi giáo”. Một người dân kể, từ khi ISIS chiếm được thành phố, họ đã áp dụng “Luật Caliphate”, theo cách gọi của họ. Hình phạt tối thiểu là đánh đòn và được áp dụng cho những thứ như hút thuốc lá. Trộm cắp bị trừng phạt bằng chặt một bàn tay, nam giới ngoại tình thì người phạm tội bị ném từ một tòa nhà cao tầng và phụ nữ ngoại tình thì bị ném đá đến chết. Các vụ trừng phạt được thực hiện ở nơi công cộng để khiến người dân sợ hãi mà họ vẫn thường bị buộc phải xem. Một người khác kể lại: “Tôi đã bị ISIS bắt. Họ tới nhà chúng tôi để tìm bắt anh trai tôi. Khi họ không tìm được anh ấy, họ quyết định đưa tôi vào nhà tù thay thế. Sau đó, họ tra tấn tôi. Người tra tấn tôi chỉ ngừng tay khi anh ta đã mệt. Ông ta đánh tôi bằng một dây cáp điện và tra tấn tôi cả về tâm lý. Khi anh trai tôi tự nộp mình vào, họ phát hiện ra rằng những cáo buộc là sai nhưng họ vẫn giữ tôi trong tù cho đến khi họ đánh giá có thể thả tôi ra. Họ đã đánh tôi tàn bạo bằng dây cáp tới mức vẫn có thể thấy những dấu vết trên lưng tôi”.

Cuộc sống của người dân thành phố đã thay đổi tới mức không còn nhận ra được nữa. Tình trạng thiếu nhiên liệu, ô nhiễm lan tràn trên diện rộng, các công trình xây dựng bị tạm dừng và nhiều trường học đóng cửa. Những người trong quân đội và công nhân làm việc theo ngày không còn có bất kỳ thu nhập nào vì không còn công ăn việc làm nữa. Người giàu có thì dựa vào tiền tiết kiệm của họ, những người có lương thì chỉ đủ sống, còn người nghèo thì hoàn toàn phó mặc cho lòng thương của Chúa. Theo ISIS, tất cả mọi thứ là bị cấm và vì vậy tôi chỉ còn biết ngồi nhà suốt ngày. Ngay cả các hoạt động giải trí đơn giản như những buổi dã ngoại cũng bị cấm tại Mosul với lý do rằng đó là một sự lãng phí thời gian và tiền bạc. Cuộc sống của người dân khu vực Trung Đông đang ngày càng ngột ngạt bởi chiến tranh và bởi sự bành trướng của ISIS.

(Theo ABC, BBC, CNN)

Quỳnh Anh

 

 


Ý kiến của bạn